Biến đổi khí hậu

Lạng Sơn bảo tồn, phát triển nguồn gen trước BĐKH

Hoàng Nghĩa 29/08/2023 - 08:58

(TN&MT) - Để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý TN&MT, Lạng Sơn đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển bền vững.

Bảo tồn, phát triển các nguồn gen đặc hữu

Tỉnh Lạng Sơn có nguồn dược liệu khá phong phú, đa dạng, có nhiều loại dược liệu nằm trong sách đỏ Việt Nam như: ngũ gia bì, ba kích, kim tuyến, bình vôi… Tuy nhiên, các loài này đều đứng trước nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức.

Năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nhằm điều tra đánh giá hiện trạng, thu thập các nguồn gen bản địa quý hiếm, có giá trị cao, có nguy cơ tuyệt chủng.

anh-bdkh-ls-1.jpg
Lạng Sơn đang triển khai nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen cây Chanh rừng Mẫu Sơn.

Trên cơ sở đó, từ tháng 7/2021 - 7/2023, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) đã triển khai đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen của 8 loài dược liệu quý hiếm, có giá trị cao.
Sau 2 năm thực hiện, đã xây dựng được mô hình vườn sưu tập diện tích 300m2; chăm sóc, theo dõi, trồng thâm canh Hà thủ ô đỏ với diện tích trên 1.000m2; trồng thâm canh nguồn gen Hoàng tinh hoa trắng với diện tích 300m2.

Còn tại xã vùng cao Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cũng đang triển khai nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen cây Chanh rừng, với mục tiêu phục tráng giống, bảo tồn dòng, giống tốt để khai thác, phát triển theo hướng trở thành vùng sản xuất hàng hoá đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt.

Được biết, những năm qua, Lạng Sơn đã giao các địa phương rà soát, tuyển chọn, phục tráng để nhân giống một số loại cây trồng bản địa, cây đầu dòng, cây ưu tú có nhiều đặc tính ưu việt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tăng khả năng thích ứng với những tác động bất lợi của BĐKH, như: Phát triển giống đào chuông, trà hoa vàng của huyện Đình Lập; phục tráng và chọn giống sở phù hợp với điều kiện lập địa tại Lạng Sơn; mở rộng phát triển mô hình trồng thâm canh cây trám đen ưu tú, măng bát độ của huyện Hữu Lũng;

Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị, phát triển bền vững sản phẩm hạt dẻ tại thành phố Lạng Sơn; nghiên cứu biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại quế và chọn giống quế có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng...

Thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai gần 120 nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến công tác ứng phó BĐKH, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Tập trung vào các nội dung: Ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật phục tráng lại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh;

Xây dựng các vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp, công nghiệp bảo đảm cho phát triển sản xuất; Bảo tồn và phát triển nguồn gen nhằm khôi phục, bảo vệ các hệ sinh thái, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, duy trì và phát triển các nguồn gen các loài cây, con đặc sản, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao...

Đặc biệt, có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng, tái sử dụng phế phụ phẩm đạt hiệu quả cao, như: Nghiên cứu sản xuất ván sàn composite từ nguồn phế phụ phẩm sau chế biến gỗ trên nền nhựa ABS; ứng dụng công nghệ để sản xuất gạch không nung, làm đường giao thông nông thôn từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện Na Dương; ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chuồng trại chăn nuôi; xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh HUDAVIL cải thiện môi trường đất...

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ hướng tới công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, BĐKH.

Các kết quả nghiên cứu đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, tận thu nguồn nguyên liệu để tái sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường.

Những đề tài, dự án nghiên cứu thành công đã được chuyển giao kết quả tới các đơn vị quản lý cấp huyện để phổ biến, tuyên truyền tới người dân. Vận động, hướng dẫn nhân dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lạc hậu, tích cực áp dụng các nghiên cứu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi các hoạt động kinh tế theo hướng trở nên “sạch hơn”, giảm nhẹ các tác động đến môi trường, chuyển dịch tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”.

Hiện nay, Lạng Sơn đang tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm mục tiêu xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng.

Ưu tiên thực hiện các dự án trồng, khôi phục rừng phòng hộ, tăng cường các biện pháp làm giàu rừng bằng các loại cây bản địa, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ. Thực hiện lồng ghép thích ứng BĐKH dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn bảo tồn, phát triển nguồn gen trước BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO