Làng nghề kim khí Đại Tự: Nơm nớp nỗi lo ô nhiễm nguồn nước ngầm

09/11/2018 14:51

(TN&MT) – Kết quả quan trắc của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam vào cuối năm 2016 cho thấy, tình trạng ô nhiễm ở làng nghề kim khí Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) xảy ra cả ở môi trường nước mặt, nước ngầm và không khí. Từ đó cho đến nay, việc xử lý tình trạng này có vẻ vẫn chưa được cải thiện.

Đủ các loại ô nhiễm

Trong nhiều năm qua, người dân thôn Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) phải sống trong cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nguồn nước do các cơ sở sản xuất két bạc, tủ và sơn tĩnh điện xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp gây nên. Theo phản ánh của một số hộ dân nơi đây, nước thải trong quá trình sản xuất của các cơ sở đều được xả trực tiếp ra hệ thống kênh tiêu mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào. Chính vì vậy mà hoa màu, cây trồng quanh khu vực không thể phát triển, gây thiệt hại kinh tế cho những hộ dân có diện tích canh tác gần đó.
 

o nhiem Kim Chung 3
Vào mùa khô, con kênh ở thôn Đại Tự đen đặc như thế này

Ghi nhận thực tế của PV báo TN&MT thấy rằng, khu nhà xưởng ở thôn Đại Tự rộng chừng 5 ha và được quy hoạch thành từng dãy san sát nhau. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở đây là những vật dụng sản xuất két bạc, sơn tĩnh điện … để ngổn ngang khắp nơi. Tại một số cơ sở, công nhân vẫn miệt mài khoan, cắt và sơn các sản phẩm. Mùi khét của bụi sắt lẫn với mùi sơn khiến cho không khí xung quanh rất nặng nề, khó thở. Bên cạnh đó là những tiếng ồn đinh tai nhức óc của các phương tiện, máy móc khiến những người mới đến đây không thể chịu nổi. Xung quanh các nhà xưởng này, khói bụi và muội sắt bám đầy mọi nơi, đóng thành từng mảng đen xì.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mật, một hộ dân sinh sống trong làng Đại Tự cho biết: “Các nhà xưởng, đặc biệt là xưởng sản xuất sơn tĩnh điện thường xuyên xả nước thải đục như nước vo gạo ra hệ thống kênh tiêu. Vào mùa mưa, nước dâng cao tràn vào ruộng lúa của chúng tôi khiến lúa chết, cỏ chết. Có nhiều đợt, họ còn xả cả dầu máy xuống kênh đen xì. Loại dầu này loang vào các ruộng bên cạnh khiến chúng tôi không dám canh tác. Thực sự chúng tôi quá khốn khổ và đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng để mong họ xem xét, giải quyết. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện chưa có tiến triển gì”.
 

o nhiem Kim Chung 2
Dãy nhà xưởng mọc san sát ngay lối vào thôn Đại Tự

Trong khi đó, bác Đào Thị Bích, một hộ dân có ruộng gần đó cho hay: “Hầu hết các cơ sở ở đây đều tập trung sản xuất đồ kim khí và làm sơn tĩnh điện, hàn xì … Không chỉ có tiếng ồn, khói bụi sắt, họ còn xả thải nước có chứa hóa chất xuống kênh. Chúng tôi lo lắng những chất này sẽ ngấm vào mạch nước ngầm và quá đó, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm di chuyển cụm sản xuất này ra khỏi khu vực dân cư để tránh làm ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của mọi người”.

Lãnh đạo xã nói gì?

Được biết, vào cuối năm 2016, Trung tâm Kỹ thuật môi trường và An toàn hóa chất (Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam) đã thực hiện Chương trình quan trắc môi trường tại các làng nghề. Tại làng nghề kim - cơ khí Đại Tự, tình trạng ô nhiễm xảy ra cả ở môi trường nước mặt, nước ngầm và không khí. Các thành phần ô nhiễm rất đa dạng, có cả các kim loại nặng và cả các chất hữu cơ. Thành phần gây ô nhiễm có trong nước thải của làng nghề chủ yếu sinh ra từ công đoạn tẩy dầu, tẩy gỉ, sơn mạ của các hộ sản xuất và từ nước thải sinh hoạt của người dân. Nước thải sinh ra sau đó được xả trực tiếp vào các kênh dẫn nước thải chung mà chưa được xử lý, gây ô nhiễm nguồn tiếp nhận.
 

o nhiem Kim Chung 1
Tất cả các cơ sở sản xuất tại đây đều xả thải trực tiếp ra kênh tiêu

PV báo TN&MT đã đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch UBND xã Kim Chung thì được biết: “Hiện khu nhà xưởng ở thôn Đại Tự được huyện Hoài Đức phê duyệt làm Điểm công nghiệp làng nghề Đại Tự. Tuy nhiên do vướng vào quy hoạch trục đường Hồ Tây - Ba Vì của TP. Hà Nội nên chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tạm thời và tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường, cam kết tự nguyện tháo dỡ nhà xưởng khi nhà nước thu hồi đất. Hầu hết các đơn vị ở đây đều là sản xuất két bạc, hàn xì … nên lượng nước thải thải ra môi trường rất ít. Còn đối với các chất thải rắn thì hầu hết đều được tận dụng và đem tái chế nên cũng không thải ra môi trường”.

Cũng tại buổi làm việc, ông Cương cho biết hiện cụm nhà xưởng thôn Đại Tự chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tất cả nước thải đều được xả trực tiếp ra hệ thống kênh tiêu chung của huyện. Trao đổi về việc một số doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ông Cương cho biết: “Hầu hết các hộ sản xuất ở đây đều nhỏ lẻ nên việc yêu cầu họ phải có hệ thống xử lý nước thải riêng là rất khó khăn. Đây là thực trạng, khó khăn chung của các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức chứ không riêng gì xã chúng tôi. Chúng tôi cũng rất mong các cấp, ngành sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, mấy năm trở lại đây tình hình kinh doanh két bạc cũng không còn thuận lợi nên người dân cũng đã bắt đầu chuyển dịch cơ cấu. Một số hộ chuyển sang làm mộc dân dụng, giá sách, tủ hồ sơ bằng tôn … nên ô nhiễm nguồn nước càng được hạn chế”.

Kỳ sau: Bụi gỗ bao trùm làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề kim khí Đại Tự: Nơm nớp nỗi lo ô nhiễm nguồn nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO