Lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa

Thanh Tâm| 25/10/2019 11:16

(TN&MT) - Thực hiện chỉ thị 08/CT-BYT của Bộ Y tế về giảm thải chất thải nhựa trong ngành y tế, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai tại các hệ thống bệnh viện trên toàn tỉnh. Đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phong trào chống rác thải nhựa, hạn chế tối đa việc sử dụng chất thải nhựa được lan tỏa mạnh mẽ, từ cán bộ, lãnh đạo, các bác sỹ, y tá các khoa, phòng cũng như người nhà bệnh nhân.

Các bác sỹ, y tá ở đây không chỉ là người khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân mà còn là tuyên truyền viên về những tác hại của rác thải nhựa trong ngành y tế đối với môi trường, cũng như khuyên người nhà bệnh nhân nên sử dụng các vật dụng có thể dùng nhiều lần hoặc tái chế thay vì dùng các loại nhựa chỉ sử dụng một lần rất nguy hại tới môi trường.

Thời gian gần đây, các nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng túi giấy đựng thuốc thay cho túi nilon bấy lâu nay vẫn dùng. Túi giấy được thiết kế đa dạng với nhiều kích cỡ khác nhau, đựng đủ số lượng thuốc được bác sỹ kê trong đơn.

Theo chị Nguyễn Thị Hoa, Thủ kho cấp phát thuốc ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Túi giấy là một trong nhiều giải pháp mà bệnh viện đang triển khai nhằm góp phần chống rác thải nhựa. Trong thời gian đầu khi túi giấy chưa đáp ứng hết nhu cầu người bệnh thì nhân viên phát thuốc sẽ nhắc nhở người bệnh khi đi lấy thuốc nhớ mang theo túi giấy, túi vải cũng như ý nghĩa của nó để người dân dần thích nghi”.

Các khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện việc ký cam kết giảm chất thải nhựa với Giám đốc bệnh viện. Theo đó, cam kết được triển khai thực hiện với các nội dung: Tập huấn, hướng dẫn, truyền thông cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế thực hiện giảm chất thải nhựa trong đơn vị. Tổ chức ký cam kết tại đơn vị về giảm thiểu chất thải nhựa. Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị. Lồng ghép nội dung giảm thiểu chất thải nhựa vào thực hiện tiêu chí đánh giá chất lượng khoa, phòng, trung tâm. Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện Chỉ thị 08/CT-BYT về giảm thải chất thải nhựa trong ngành y tế.

Các khoa, phòng, trung tâm đều thực hiện ký cam kết với Giám đốc bệnh viện về giảm thiểu chất thải nhựa.

Không chỉ dừng lại ở việc ký cam kết, các khoa, phòng, trung tâm đã thực hiện việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các vật dụng, vật tư y tế làm từ nhựa không thể thay thế; tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, sử dụng các vật dụng, dụng cụ, vật tư, thiết bị, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa đựng thuốc, hóa chất làm tự vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh; vận động tuyên truyền tới nhân viên y tế, người điều trị tại các khoa, phòng hạn chế sử dụng các vật dụng làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn uống, sinh hoạt.

Trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo cũng sử dụng bình nước thủy tinh, cốc thủy tinh để phục vụ nước cho đại biểu; khi thực hiện mua sắm đấu thầu đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, văn phòng phẩm bổ sung yêu cầu kỹ thuật bao gói bằng chất liệu thân thiện với mội trường vào Hồ sơ yêu cầu, liên hệ với nhà sản xuất thu gom tái sử dụng một số can, thùng chứa dịch, hóa chất có thể tái sử dụng; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom tái chế đúng quy định.

Tại các buổi giao ban bệnh viện, hội đồng bệnh viện cấp khoa, cấp bệnh viện đều tuyên truyền, quán triệt đến các y bác sỹ, người bệnh và người nhà hạn chế việc sử dụng các vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần, ni lông.

BVĐK tỉnh còn chỉ đạo mỗi cán bộ, y bác sỹ tại các khoa, phòng trong quá trình thăm khám, chữa trị cho các bệnh nhân phải luôn lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở người bệnh và người nhà trong sử dụng đồ nhựa, túi ni lông.

Bằng nguồn lực của bệnh viện, hiện nay tại hành lang các tầng của bệnh viện đều đã lắp đặt máy lọc nước giúp người bệnh có nguồn nước uống miễn phí. Điều này không những tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh, người nhà mà còn hạn chế được số lượng rất lớn các chai nước bằng nhựa mang vào bệnh viện mỗi ngày.

Tại hành lang các tầng của BVĐK tỉnh Thanh Hóa đều lắp đặt cây nước miễn phí, để tiết kiệm chi phí cho người bệnh cũng như hạn chế sử dụng chai nhựa.

Có mặt tại khoa cấp cứu trong lúc các điều dưỡng đang phát thuốc cho các bệnh nhân, không thấy bóng dáng lỉnh kỉnh túi nilong to nhỏ để đựng các loại thuốc mà thay vào đó mỗi bệnh nhân được phát một giỏ nhựa để đựng thuốc. Khoa cấp cứu đã thực hiện mua giỏ nhựa để cấp phát thuốc cho các bệnh nhân từ nhiều năm nay, hạn chế việc sử dụng túi ni lông chỉ dùng một lần, thay vào đó các giỏ nhựa được tái sử dụng nhiều lần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Chị Lương Thị Nga Linh, Điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Từ nhiều năm nay, tại khoa đã trang bị giỏ nhựa để cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Mỗi ngày các bác sỹ, y tá đều lồng ghép tuyên truyền trong khi khám chữa bệnh cho người bệnh cũng như người nhà về tác hại của rác thải nhựa, vận động họ sử dụng các vật liệu như ca, cốc có thể tái sử dụng nhiều lần và dùng nước tại các điểm lắp đặt của bệnh viện để tránh phát sinh các chai, lọ dùng một lần.

Việc cấp phát thuốc được thay thế bằng giỏ nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần.

“Sau một thời gian thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất thải nhựa trong bệnh viện đã được giảm thiểu với một khối lượng nhất định. Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu, do đặc thù trong hoạt động chuyên môn nên nhìn chung chất thải nhựa phát sinh hàng ngày trong bệnh viện vẫn đang còn lớn.Việc giảm thiểu triệt để cần có một lộ trình nhất định, trong đó quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để thay đổi ý thức, thói quen từ chính các y bác sỹ cho đến người bệnh và người nhà. Cũng như phải thay đổi từ nguồn cung ứng thuốc, vì các loại thuốc nhập về, bệnh viện không thể quyết định được dùng vật liệu nào. Cần có sự chung tay vào cuộc từ nhiều ngành, từ trung ương để giảm thiểu chất thải nhựa không chỉ riêng trong ngành y tế ” – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Văn Chung cho biết.

Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm: các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn như dụng cụ bao gói, chứa đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế. Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các vật liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO