Làm sao quy hoạch giữ "đất xanh" cho Hà Nội?  ​​​​​​​

05/04/2018 21:54

Đất đai nông nghiệp tự nhiên giúp bảo vệ vùng đô thị trung tâm với chức năng điều hòa khí hậu, thấm thoát nước tự nhiên, giúp giảm tình trạng ngập lụt đô thị... cân bằng với tốc độ đô thị hóa nhanh.  

cay xanh duong pham van dong reatimes vn 1496301483


 

Hiện nay, phát triển đô thị theo hướng bền vững đang trở thành một mối quan tâm lớn của Hà Nội. Thành phố đang trải qua một quá trình mở rộng quy mô đô thị nhanh chóng, nhất là dưới tác động của sự gia tăng dân số mạnh mẽ và hiện tượng dịch cư nông thôn liên tục, diện tích đất nông nghiệp thay đổi dần bằng các dự án công nghiệp.
 

Cụ thể, theo công bố Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 138 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 2.622,91ha (giữ nguyên, điều chỉnh, mở rộng, hoàn thiện 64 cụm công nghiệp; cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển 22 cụm công nghiệp; thành lập mới 52 cụm công nghiệp). Giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, mở rộng 5 cụm công nghiệp, xây mới 21 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 536ha.
 

Theo Quy hoạch, phía Bắc thành phố Hà Nội gồm các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm...
 

Phía Nam thành phố gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ... Phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn) ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học, hóa dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, nano, năng lượng mới...
 

Việc quy hoạch các phân khu chức năng được thực hiện theo các điều kiện cụ thể của từng cụm theo phương châm tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng hiện hành; khuyến cáo triển khai với các chỉ tiêu theo định hướng đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp: 65 - 70%; đất xây dựng các công trình kỹ thuật: 0,5 - 1%; đất xây dựng trung tâm quản lý điều hành: 0,5 - 1%; đất xây dựng các công trình giao thông: 10 - 12%; đất dịch vụ hỗ trợ và cây xanh: 18 - 21%...
 

Câu hỏi đặt ra là việc tăng đất xây dựng nhà máy xí nghiệp nói trên liệu có làm hao hụt phần đất xanh tự nhiên của thành phố hay không? Hơn nữa, để cân bằng lại một phần diện tích đất nông nghiệp bị giảm và giải quyết bài toán trữ, thoát nước đô thị thì Hà Nội sẽ có giải pháp nào để không còn chuyện ngập lụt "đến hẹn lại lên"?
 

Dẫu biết, Hà Nội vẫn đang đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đồng thời kết hợp phát triển không gian mặt nước - cây xanh; áp dụng công nghệ trong trồng và chăm sóc cây xanh… Đặc biệt, với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020 do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khởi xướng năm 2016, chất lượng môi trường của TP đang dần được cải thiện, diện tích cây xanh bình quân tăng từ 7,8m2 hiện tại lên 9 - 10m2/người. Những tuyến phố mới cũng đã thay đổi sắc diện với hàng cây phượng vĩ, bằng lăng bắt đầu đơm hoa, tỏa bóng mát. 
 

Song vẫn còn những vấn đề đáng bàn như quy hoạch xây dựng liên tục các dự án mà điển hình mới đây Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội tổ chức công bố và bàn giao Đồ án thiết kế đô thị hai bên đường Vành đai 3 (tỷ lệ 1/500), trong đó đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển vốn đã dày đặc các dự án bất động sản nhưng vẫn cho xây cao ốc 50 tầng?
 

Theo chia sẻ của chuyên gia trong ngành, một số quốc gia phát triển các vùng mảng đất xanh bằng cách giữ lại một phần lớn đất chưa phát triển hoặc đất nông nghiệp xung quanh vùng lõi đô thị. Theo đó, diện tích “đất xanh” này sẽ giúp kiểm soát được sự phát triển mở rộng tràn lan của đô thị, vừa cần thiết bảo vệ ngược lại vùng đô thị trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng không khí trong đô thị.
 

Trong khi đó, nhìn lại Hà Nội nói riêng, những năm gần đây các khu đô thị chen chúc phát triển tại các vành đai dường như đã chặn mất dòng chảy và đường thoát nước của thành phố nên dễ dẫn đến ngập úng đô thị mỗi khi mùa mưa bão về. Thiết nghĩ, đã đến lúc Hà Nội thực sự phải tính toán đến việc quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị và tính đến yếu tố giữ mảng xanh đô thị cần thiết, đảm bảo tính cân bằng của môi trường tự nhiên với phát triển đô thị bền vững.
 

Bằng kinh nghiệm của mình, chuyên gia quy hoạch TS. Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ, nhìn ra thế giới, mô hình “Thành phố vườn” ở Anh với giải pháp cách ly khu công nghiệp với các khu ở bằng dải cây xanh được áp dụng rất thành công. Đối với một số đô thị lớn đã hình thành mô hình phân tán dân cư ra xung quanh đô thị hạt nhân, chủ động lập các vành đai xanh để kiềm chế phát triển các đô thị quá lớn, siêu đô thị như quy hoạch Matxcơva của G.B. Krasin (1930), quy hoạch London của Patrick Abercrombie (1944), quy hoạch Tokyo mở rộng của Kenzo Tange (1950).
 

“Vai trò vành đai xanh ngày càng được khẳng định là yếu tố quan trọng, được xác định là công cụ để hạn chế mở rộng trung tâm. Cùng với mô hình quy hoạch với vành đai xanh là thể chế quản lý được thực thi chặt chẽ”, TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao quy hoạch giữ "đất xanh" cho Hà Nội?  ​​​​​​​
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO