Môi trường

Làm mát đô thị bền vững trước nắng nóng cực đoan: Giảm nhiệt hài hòa với môi trường

Khánh Ly 13/06/2023 - 10:15

(TN&MT) - Hiện tượng El Nino quay trở lại trong năm 2023 cùng với các kỷ lục nhiệt độ liên tiếp được thiết lập trong thời gian qua một lần nữa cho thấy nhu cầu bức thiết giảm nhiệt cho các đô thị - nơi vốn là đầu tàu phát triển của mỗi địa phương, tập trung nhiều hoạt động kinh tế làm tăng nhiệt cục bộ.

3 cấp độ làm mát đô thị

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ tính riêng trong tháng qua (từ 11/5 - 10/6), trên cả nước đã xảy ra 5 đợt nắng nóng diện rộng. Đáng chú ý, dù số ngày nắng nóng không kéo dài như những năm trước, nhưng mức nhiệt trong ngày khá cao với khoảng 20 điểm đo xuất hiện nhiệt độ kỷ lục, chủ yếu tại Bắc Bộ.

Tại khu vực đô thị, nhiệt độ nội đô thường cao hơn ngoại thành và khu vực nông thôn lân cận nên người dân càng cảm nhận rõ những tác động của nắng nóng đến sức khỏe, đặc biệt là người già, trẻ em và người lao động thu nhập thấp. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), làm mát không gian sinh hoạt, làm việc đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của người dân đô thị, kéo theo nhu cầu năng lượng cho mục đích này được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050 so với thời điểm năm 2016. Hiệu ứng đảo nhiệt xuất hiện do tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều tòa nhà cao tầng, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi những mảng xanh của cây cối, hồ nước còn ít ỏi.

2.jpg
Các giải pháp chống nóng cần được lồng ghép ngay từ khâu quy hoạch cơ sở hạ tầng và thiết kế đô thị

Trong Cẩm nang hướng dẫn các đô thị làm mát bền vững, UNEP chỉ ra 3 cấp độ làm mát có thể phối hợp để tạo ra cách tiếp cận toàn hệ thống: Giảm nhiệt ở quy mô đô thị, giảm nhu cầu làm mát trong các tòa nhà và phục vụ nhu cầu làm mát trong các tòa nhà một cách hiệu quả. Lý giải cụ thể hơn, Thạc sĩ Ngô Hoàng Ngọc Dũng - nghiên cứu viên về nhiệt đô thị (UNEP) cho biết, trên quy mô đô thị, các giải pháp chống nóng sẽ được lồng ghép ngay từ khâu quy hoạch cơ sở hạ tầng và thiết kế đô thị, tập trung vào giảm nhiệt ở phạm vi khu vực, giải pháp dựa vào tự nhiên.

Điển hình là thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Chính quyền thành phố đã khôi phục dòng suối Cheonggyecheon chảy qua địa bàn, thay thế 5,8km đường cao tốc trên cao bao phủ dòng suối bằng một hành lang tự nhiên ven sông. So với con đường song song cách đó vài dãy nhà, hành lang này giúp giảm nhiệt độ khu vực này thấp hơn từ 3,3°C - 5,9°C. Tại Medellín (Colombia), từ năm 2016 đến 2019, thành phố đã tạo ra 36 hành lang xanh trên cả trục đường bộ và đường thủy, giúp không gian tại các khu vực này giảm tới 4°C.

Trên quy mô tòa nhà, việc thiết kế sẽ chú trọng đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và tản nhiệt hiệu quả, nâng tầm thành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới năng lượng tòa nhà, công trình xanh. Các tòa nhà do thành phố sở hữu trở thành những hình mẫu làm mát bền vững. Ví dụ cụ thể là Tòa nhà xanh của Ban quản lý dịch vụ công ích TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Toàn bộ công trình có tổng diện tích tường và mái được phủ xanh lên tới hơn 900m2, giúp cách nhiệt hiệu quả trong điều kiện nắng nóng và không có bóng cây xanh, giảm tiêu thụ điện, lọc bụi và làm ẩm không khí, giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Đồng thời, tạo cảnh quan điểm nhấn cho đô thị sinh thái TP. Đồng Hới.

Tại Việt Nam, Kịch bản Biến đổi khí hậu và Nước biển dâng năm 2020 (Bộ TN&MT) chỉ ra, nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc theo kịch bản phát thải cao nhất đến cuối thế kỷ có thể tăng từ 3,2°C - 4,2°C.

Cuối cùng, UNEP khuyến nghị cần sử dụng các công nghệ, thiết bị làm mát hiệu quả, phù hợp với nhu cầu; điều chỉnh thói quen sinh hoạt, làm việc nhằm giảm tối đa lượng năng lượng, khí thải và nhiệt thải do con người tạo ra. Lợi ích của việc làm mát đô thị bền vững đang vươn xa, bao gồm cải thiện sức khỏe và năng suất lao động, giảm yêu cầu năng lượng điện, giảm lượng khí thải và đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp - ông Dũng nhận định.

Lồng ghép thực hiện các chính sách về biến đổi khí hậu

Do các yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xây dựng, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu, hiện có 5 nhóm chính sách lớn liên quan đến làm mát đô thị, bao gồm: Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, năng lượng, phát triển nhà ở và phát triển khoa học công nghệ. Các địa phương khu vực thúc đẩy các giải pháp đô thị cũng đồng thời sẽ triển khai các chiến lược, kế hoạch quốc gia liên quan tới các nhóm chính sách này. Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 cũng đã nhắc đến tầm quan trọng của làm mát đô thị trong việc đạt được mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

1.jpg
Các đô thị cần thêm những khoảng không gian xanh

Theo ông Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Các-bon thấp (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT), hiện đã có khoảng 20 tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch hành động triển khai Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, trong đó bước đầu đề cập tới nội hàm làm mát đô thị. Hơn một nửa số tỉnh/ thành phố có quy định về năng lượng nhằm triển khai các quy định pháp luật chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo.

Các nghiên cứu của UNEP cho thấy, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ của nhiều thành phố trên thế giới có thể đạt mức tăng tới 4°C nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục đà tăng như hiện nay. Ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5°C, khoảng 2,3 tỷ người vẫn có nguy cơ chịu tổn thương trước các đợt nắng nóng nghiêm trọng.

38 tỉnh/ thành phố cấp Trung ương và 5 thành phố trực thuộc tỉnh có kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của địa phương, bao gồm các nhiệm vụ liên quan gián tiếp tới làm mát đô thị. 38 tỉnh, thành đã ban hành hoặc dự thảo quy định liên quan đến phát triển nhà ở tích hợp làm mát đô thị, trong đó có giải pháp cơ sở hạ tầng xanh, vật liệu xây dựng phát thải thấp, áp dụng công nghệ số quản lý năng lượng công trình, các tiêu chuẩn về tỷ lệ cây xanh tối thiểu, quy hoạch cảnh quan thiên nhiên trong đô thị... Bên cạnh đó, 22 tỉnh thành đã ban hành chính sách liên quan đến việc thực hiện chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có các nội dung có liên quan đến làm mát đô thị.

Mặc dù hệ thống chính sách đã có đề cập, nhưng theo ông Quang Anh, “hàm lượng” nội dung làm mát đô thị còn ít và mới chỉ được đề cập gián tiếp. Nhiều địa phương quan tâm đầy đủ đến việc tích hợp các biện pháp làm mát đô thị vào quy hoạch và chiến lược địa phương, trong khi để đảm bảo hiệu quả cần có định hướng cụ thể nhằm cân bằng giữa tiềm năng của các giải pháp làm mát đô thị với các mục tiêu và ưu tiên phát triển khác của địa phương.

Một trong những thách thức hiện nay là lĩnh vực làm mát chưa thực sự thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia, do thiếu chính sách đồng bộ và cơ chế hỗ trợ cho các giải pháp làm mát phân tán. Các nghiên cứu cho thấy, Nhà nước chưa có cơ chế gộp nhiều dự án làm mát xanh, dẫn đến chi phí triển khai cao trong khi hiệu suất thấp. Trước mắt, tài chính vẫn là một trong các rào cản chính đối với các dự án, đầu tư làm mát đô thị trong thời gian tới.

6i6a7886_resize.jpg

Lồng ghép làm mát bền vững vào các khuôn khổ chính sách rộng hơn

Trong bối cảnh nhu cầu làm mát trong các thành phố đã tăng vọt, việc lồng ghép làm mát bền vững vào các khuôn khổ chính sách rộng hơn sẽ giúp Việt Nam hành động toàn diện để bảo vệ sức khỏe của người dân trong bối cảnh nắng nóng leo thang. GGGI sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phân tích các tác động của lĩnh vực làm mát với giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh.
Giải pháp tài chính cho làm mát bền vững là sử dụng các khoản tài trợ và chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển quy hoạch đô thị toàn diện, gồm cả các kế hoạch chiến lược dài hạn, quy hoạch không gian và kế hoạch hành động khí hậu. Trong dài hạn, các địa phương cần tăng cường phương pháp tiếp cận theo hợp đồng PPP dài hạn để cấp vốn cho cơ sở hạ tầng bền vững sử dụng nhiều vốn; triển khai trái phiếu/khoản vay xanh, trái phiếu/khoản vay liên kết bền vững, và các công cụ tài chính chuyển đổi để tài trợ cho các công trình xanh, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo về tiết kiệm năng lượng và làm mát bền vững.
Việt Nam cũng có thể tạo ra mô hình kinh doanh khả thi cho thị trường tiết kiệm năng lượng, bằng cách đẩy nhanh thiết lập tiêu chí cũng như xây dựng danh mục các dự án xanh có thể được ngân hàng cho vay vốn. Bên cạnh đó, thiết lập các quỹ ủy thác chuyên dụng để đứng ra bảo lãnh các khoản tài trợ trong nước và quốc tế, đầu tư của khu vực tư nhân tài trợ cho các dự án làm mát bền vững.

Ông Jason Lee - Phó Giám đốc khu vực châu Á, Trưởng đại diện của Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam

ba-le-thi-bich-thuan.jpg

Chú trọng thiết kế công trình tản nhiệt tự nhiên

Nhiệt độ từ môi trường bên ngoài truyền vào bên trong qua lớp vỏ công trình. Đây là nguyên nhân chính làm tăng mức năng lượng sử dụng để làm mát trong hầu hết các dạng công trình tại Việt Nam, bởi vậy, việc thiết kế và lựa chọn vật liệu vỏ cần xử lý những hạn chế, cũng như tận dụng điều kiện thuận lợi của nền khí hậu tự nhiên xung quanh công trình (thiết kế vi khí hậu). Hình dạng và hướng nhà phải được thiết kế để giảm bức xạ mặt trời và đón gió mát, tránh gió nóng về mùa hè và gió lạnh về mùa đông. Tạo được thông gió tự nhiên xuyên phòng bằng cách tổ chức cửa đón gió và cửa thoát gió, tốt nhất là nằm trên hai tường đối diện hoặc vuông góc với nhau. Tối ưu hóa kích thước cửa sổ và lựa chọn các loại kính có hệ số hấp thụ nhiệt thấp sẽ làm giảm lượng nhiệt truyền vào không gian bên trong. Thông gió tự nhiên cũng có thể hiệu quả trong công trình cao tầng nếu có giải pháp thiết kế đảm bảo an toàn trong điều kiện tốc độ gió khá cao.
Để tránh hiện tượng đảo nhiệt trong đô thị, trên khu đất xây dựng công trình cần áp dụng kết hợp trồng cây, làm giàn cây hoặc làm mái lắp thiết bị thu năng lượng mặt trời để che bóng, sử dụng các kết cấu che nắng hoặc che nắng nhờ các tán cây sẵn có, vật liệu lợp mái có độ phản xạ >70%. Trồng cỏ hoặc dùng vật liệu lát có hệ số hấp thụ bức xạ mặt trời không vượt quá 40%.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Nguyên Phó Viện trưởng  Viện Kiến trúc quốc gia

chi-cuc.png

Hướng tới các biện pháp làm mát tiềm năng

Cục Biến đổi khí hậu hiện đang chủ trì triển khai chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam”. Giai đoạn 2022 - 2024, các chuyên gia tập trung phân tích mô hình đảo nhiệt đô thị (UHI) trên toàn thành phố, tập trung vào các tháng điển hình trong 3 năm gần đây (2020, 2021, 2022), làm rõ sự biến đổi nhiệt độ và gia tăng các thiết bị làm mát ở quy mô toàn thành phố và vùng lân cận. Các hoạt động nhằm xác định các vị trí rủi ro cao về nhiệt độ tại đô thị, đồng thời, đưa ra dự báo về UHI và sóng nhiệt trong tương lai, cùng các biện pháp làm mát tiềm năng, bao gồm cả cấp độ ngoài trời và trong nhà.
Trên cơ sở này, Chương trình sẽ lồng ghép và hỗ trợ TP. Cần Thơ, TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) xây dựng Kế hoạch hành động làm mát đô thị, đồng thời, thực hiện đánh giá nhanh về mức độ sẵn sàng cho giai đoạn đầu tư tiếp theo về làm mát bền vững tại TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Chương trình sẽ hỗ trợ các địa phương vùng duyên hải miền Trung thực hiện NDC trong thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy việc thu hút đối với nhà đầu tư nhằm hỗ trợ cho các giải pháp làm mát bền vững và chống nắng nóng cực đoan tại các đô thị ở Việt Nam.

l Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc - Phó Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm mát đô thị bền vững trước nắng nóng cực đoan: Giảm nhiệt hài hòa với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO