Quá tải rác thải
Thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình 6.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày; trong đó, ở các quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày và 17 huyện ngoại thành phát sinh khoảng 3.000 tấn/ngày. Chất thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu được thu gom và phân luồng vận chuyển về các khu xử lý của thành phố là bãi rác Nam Sơn, bãi rác Sóc Sơn, bãi rác Phương Đình (huyện Đan Phượng); còn lại được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp của các huyện.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, sau khi thành phố ban hành quyết định phân cấp trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải, trên mỗi địa bàn chỉ có một đơn vị làm công tác này. Đồng thời, thành phố cũng giao trách nhiệm cho UBND các quận, huyện trong việc duy trì vệ sinh môi trường trong phạm vi địa giới hành chính để tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm của người quản lý và thực hiện.
Theo ông Mai Trọng Thái, bài toán đặt ra là “làm sao để thu gom và vận chuyển được rác thải đến các bãi rác tập trung của thành phố”? Thực tế, thành phố mới có 2 khu xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp là Nam Sơn và Xuân Sơn. Trong đó, Khu xử lý rác thải Nam Sơn tiếp nhận bình quân 4.000 - 4.500 tấn rác/ngày; Khu xử lý rác thải Xuân Sơn tiếp nhận 1.400 tấn/ngày.
“Nếu tiếp tục chôn lấp, đến năm 2021, chúng ta sẽ không còn quỹ đất để thực hiện công tác xử lý? Mặt khác, nếu không có giải pháp thích hợp với những người dân ở vùng ảnh hưởng của khu chôn lấp rác, mỗi lần người dân chặn xe rác 7 - 10 ngày, Thủ đô sẽ thực sự biến thành “bãi rác lớn”. Lúc đó, câu chuyện thu gom, vận chuyển đến bãi chôn lấp trở thành bài toán nan giải” - ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.
Ở các huyện ngoại thành Hà Nội, do địa bàn rộng, số lượng ngõ, xóm nhiều, dân cư ngày càng đông đúc, hạ tầng giao thông kém, lượng rác thải nhiều ngày phát sinh dẫn đến không xử lý kịp.
Đơn cử như ở huyện Thường Tín, công tác thu gom rác gặp một số bất cập trong việc đảm bảo vệ sinh đối với ngõ, xóm lớn hơn 2m tại hồ sơ thầu chỉ đạt 36% so với khối lượng thực tế thực hiện. Các ngõ nhỏ hơn 2m không được tính vào khối lượng mời thầu nhưng trên thực tế vẫn phải thực hiện thu gom rác để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Hơn nữa, theo phân luồng của thành phố cho phép huyện Thường Tín vận chuyển rác về khu xử lý chất thải là 140 tấn/ngày, nhưng do lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn huyện nên việc xử lý không đáp ứng được.
Vì đâu… “tắc rác”?
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Thiện Lộc - Giám đốc HTX Thành Công cho hay, trên cả 3 địa bàn thu gom rác của đơn vị là quận Thanh Xuân, huyện Hoài Đức và một phần huyện Đan Phượng, thời gian gần đây ngoài rác thải sinh hoạt, phát sinh số lượng lớn những vật liệu cồng kềnh như bàn, ghế, giường, tủ, đồ nội thất… Ước tính trung bình mỗi ngày, có đến 3 - 4 tấn rác là vật liệu lẫn cả gạch, cát…
Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Chưa kể vận chuyển rác thải mà lẫn gạch, đá, cát… khi lên bãi rác vào đầu cân bị phát hiện, lại vi phạm “gian lận tải trọng”; ở đây còn không tiếp nhận rác thải vật liệu xây dựng.
Trăn trở với câu chuyện này, ông Phạm Thiện Lộc chia sẻ thêm, hiện nay, vấn đề lấy lòng đường, vỉa hè làm điểm tập kết rác thực sự bất cập. Đề nghị chính quyền các cấp tạo điều kiện mặt bằng cho đơn vị thu gom, vận chuyển đặt những trạm truyền tải nhỏ, lẻ. Theo đó, mỗi phường ở nội thành có thể xây dựng trạm với diện tích khoảng 200 - 300m và có thể chứa được 30 - 50 tấn rác thải. Khi đó, sẽ giảm thiểu được trên 80% xe gom không cần thiết.
Ông Mai Trọng Thái cho rằng, trên địa bàn mỗi phường, xã nên bố trí một số điểm tập kết phù hợp quy chuẩn, đảm bảo kín gió, khuất gió, không để nước chảy tràn lan khi đổ rác… Cùng với đó, quy hoạch bãi trung chuyển để xe rác của các đơn vị vệ sinh môi trường đến thu gom. Có như vậy, mới đảm bảo “thông suốt” quy trình thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.