Tài nguyên nước

Lai Châu: Tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước

Minh Khang 08/10/2024 - 16:15

(TN&MT) - Ngày 7/10, tại Lai Châu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu tỉnh và kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố. Ông Mai Văn Thạch – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; các chuyên gia Cục quản lý tài nguyên nước; đại diện lãnh đạo, chuyên viên liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo, công chức, viên chức các sở, ban, ngành tỉnh liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tại điểm cầu trực tuyến ở các huyện có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo và chuyên viên các phòng, ban, đơn vị các tổ chức chính trị xã hội huyện thành phố.

1-ong-thach(1).jpg
Ông Mai Văn Thạch, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Mai Văn Thạch, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu cho biết, để đảm bảo thi hành Luật Tài nguyên nước được kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1741/KH-UBND ngày 10/5/2024 về việc triển khai thi hành Luật. Trên cơ sở này, ngày 06/9/2024, Sở TN&MT Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 2346/KH-STNMT ngày về việc tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.

Theo ông Mai Văn Thạch, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 96 sông, suối thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh và Danh mục sông nội tỉnh. Trong đó, có 04 sông liên tỉnh lớn trên địa bàn tỉnh, gồm: Sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mạ, sông Nậm Mu. Mạng lưới sông suối của tỉnh phân phối tương đối đều.

Sông, suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu vừa có tác dụng dẫn nước cung cấp nước tưới cho ruộng đồng, vừa là nguồn nước cấp cho các nhà máy xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.

Đặc biệt sông suối ở đây có địa hình dốc nên có tiềm năng phát triển thủy điện rất lớn, đến nay đã có 160 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm là 15,6 tỷ triệu kWh, trong đó: 122 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, với quy mô tổng công suất 3.866,15MW, điện lượng trung bình năm là 14.144 triệu kWh; 60 dự án đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 3.040,85MW, điện lượng trung bình năm 11.332 triệu kWh.

Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có 81 hồ, đập chứa nước trong đó có 15 hồ chứa có dung tích trên 01 triệu m3, 66 hồ chứa nước dưới 01 triệu m3, đặc biệt các hồ chứa lớn đều là các hồ thủy điện như: Bản Chát 2137,7 triệu m3, Lai Châu 1215,1 triệu m3, Huội Quảng 184,2 triệu m3.

Bên cạnh đó, tổng trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác của tỉnh Lai Châu là 1.706.005 m3/ngày, trong đó tầng chứa nước phong phú nhất, có thể khai thác phục vụ cho các mục đích cấp nước là tầng chứa nước p1-2 với trữ lượng có thể khai thác là 327.754 m3/ngày. Ngoài ra, còn một số tầng có khả năng khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu là các tầng chứa nước: k, s-d1, t2, t3.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, ông Mai Văn Thạch cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước nên chưa giám sát nguồn nước, chất lượng nước tại đầu nguồn để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước từ Trung Quốc về tỉnh Lai Châu.

Bên cạnh đó, một số công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh chưa được đưa vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính vì vậy, về phía địa phương cũng kiến nghị các cơ quan trung ương sớm điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị bổ sung kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Kế hoạch số 1000/KH-UBND ngày 31/3/2022 về việc điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn, như: Thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; Kiểm kê tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh; Điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu; khả năng tiếp nhận nước thải trên các sông, suối nội tỉnh; Thực hiện điều tra, khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh;…

05-a-vy(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị

Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu Mai Văn Thạch, Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành là Hội nghị quan trọng, cấp thiết nhằm trang bị kiến thức cơ bản để triển khai, thi hành Luật Tài nguyên nước. Chính vì vậy, ông Mai Văn Thạch đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến các cán bộ, công chức, viên chức, lao động, các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

Cùng với đó, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thuộc trách nhiệm của mình đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành các quy định của Giấy phép khai thác và quy định pháp luật về tài nguyên nước.

3-anh-khuyen(1).jpg
Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu tại Hội nghị

Giới thiệu về Luật Tài nguyên nước 2023 và những điểm mới, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, với 10 Chương và 86 Điều, Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật (Quyết định số 274-TTg ngày 02/4/2024), tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã có 03 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.

03-anh-1-4.jpg
Báo cáo viên của Cục Quản lý tài nguyên nước giải đáp các câu hỏi của đại biểu tại Hội nghị

Trên cơ sở những văn bản được giới thiệu, các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương; đặc biệt là những nội dung về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng triển khai thi hành Luật tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO