Lai Châu đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản bằng hình thức nuôi cá lồng trên sông |
Với tiềm năng về diện tích, điều kiện khí hậu, tỉnh Lai Châu đang tập trung khai thác phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện và nuôi cá nước lạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Công tác phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh Lai Châu có nhiều khởi sắc. Trước hết là hình thức nuôi phát triển đa dạng, ngoài nuôi ao, nông dân tận dụng lợi thế khí hậu, nguồn nước nuôi cá nước lạnh; khai thác tốt tiềm năng mặt nước phát triển nuôi cá lồng. Với 3 hình thức nuôi này, diện tích ao nuôi năm 2017 ước đạt 911ha; thể tích nuôi cá nước lạnh trong bể đạt 8.927m3 và thể tích nuôi cá lồng hiện nay đạt trên 40.000m3. Phương thức nuôi từ quảng canh chuyển sang bán thâm canh, thâm canh.
Năm 2016, tổng sản lượng thuỷ sản tỉnh Lai Châu đạt 2.290 tấn. Ngoài các đối tượng cá truyền thống, bà con chú trọng phát triển giống loài mới có năng suất cao như rô phi đơn tính, cá chép lai, cá hồi, tầm, chiên, lăng… Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc ươm các giống cá nước lạnh như cá tầm. Nhân dân trong tỉnh đã nhận thức được mục đích của việc nuôi trồng thuỷ sản, thực hiện tốt công tác phòng, trị bệnh, từ đó thúc đẩy phong trào nuôi trồng và khai thác thủy sản. Đây được coi là hướng đi mới có triển vọng phát triền thành nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao để khai thác có hiệu quả tiềm năng về mặt nước, khí hậu của tỉnh.
Tiềm năng nuôi cá lồng tại huyện Mường Tè, Lai Châu |
Ông Phạm Anh Hùng - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, cho biết: Chi cục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh cho động vật thủy sản, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân tham gia khai thác thủy sản trên lòng hồ, các cơ sở nuôi cá nước lạnh, cơ sở nuôi cá lồng. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng trị bệnh cho thủy sản, từ đó giúp người dân áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất nuôi không ngừng tăng. Thông qua các lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giúp các hộ tham gia khai thác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng khai thác mang tính hủy diệt.
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, tỉnh triển khai thực hiện các đề tài, dự án như: Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật ương giống và nuôi thương phẩm cá tầm phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu. Qua kết quả thực hiện dự án, cơ quan ứng dụng chuyển giao đã làm chủ được quy trình kỹ thuật nuôi cá tầm đẻ trứng để sản xuất cá giống phục vụ yêu cầu phát triển nuôi cá nước lạnh và nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện.
Để thúc đẩy chăn nuôi thủy sản phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Lai Châu đã định hướng phát triển nuôi cá lồng trên hồ thủy điện nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo. Tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, đã sử dụng nguồn kinh phí ngân sách địa phương để thực hiện mô hình khuyến nông với nội dung hỗ trợ vật tư làm lồng cho người dân tham gia phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng nuôi và hỗ trợ thuốc phòng trị bệnh cho người dân.
Ông Hùng cho biết thêm: Thời gian tới Chi cục sẽ đẩy mạnh những giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở nuôi, sản xuất và ương nuôi giống hoặc đầu tư mở rộng quy mô hiện có. Tìm kiếm thị trường cho sản phẩm đầu ra, tập trung nuôi sản phẩm cá đặc sản có giá trị cao như: cá lăng, cá chiên, cá hồi, cá tầm lấy trứng... Xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu thủy sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Xây dựng mô hình trình diễn khuyến ngư tại các lòng hồ thủy điện nhằm khuyến khích phát triển nuôi trồng. Áp dụng tiến bộ khoa học vào trong nuôi trồng nhằm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm. Khai thác tốt tiềm năng diện tích mặt nước, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có của hệ sinh thái trong thủy vực, tăng sản lượng cá tự nhiên.
Hà Thuận