Hợp nhất hai Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ thành mô hình đáng tự hào trong kỷ nguyên phát triển mới
(TN&MT) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, việc hợp nhất hai Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào".
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sáng 21/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được của ngành TN&MT trong năm 2024. Cùng với đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện, đóng góp, sửa đổi các Luật và ban hành các văn bản dưới luật gồm các Luật: Địa chất và Khoáng sản, Đất đai, Tài nguyên nước.
Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị, trong năm 2025, toàn ngành TN&MT cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội.
Đảm bảo bộ máy sau khi sắp xếp phải tinh, gọn, mạnh, hiệu quả
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước "tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" là mục tiêu lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định trước khi bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, một kỷ nguyên ở tầm cao phát triển mới. Chính vì vậy, hôm nay, Bộ TN&MT tổng kết vào một thời điểm có tính lịch sử khi mà ngành TN&MT và ngành NN&PTNT chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đánh một dấu mốc cho phát triển mới của hai Bộ, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đánh giá, ở thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT có cơ hội rất lớn. Hai Bộ có mối quan hệ gắn bó mật thiết hữu cơ, nếu Bộ này làm tốt thì Bộ kia sẽ hưởng lợi và ngược lại. Từ góc độ này có thể thấy hai bộ hợp nhất "sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào".
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đó là: “Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm”. Trong đó, xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế - Văn hóa Xã hội - Môi trường. Trên cơ sở đó, sau khi hai Bộ hợp nhất, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải thay đổi tư duy quản lý, phải giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Để làm được điều đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phải đặt môi trường vào vị trí trung tâm để phát triển, là triết lý của ngành, đưa ra các nguyên tắc nguyên lý và có cái nhìn sâu hơn. Môi trường quyết định đến sự tồn vong và phát triển, do đó, Bộ phải thay đổi về nhận thức và luật pháp trong cách quản lý, cần đẩy mạnh về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Tôi đề nghị ngành TN&MT cần tập trung đầu tư tư duy, tổ chức lại mô hình quản lý bởi dường như càng xuống cấp xã chúng ta càng ít quan tâm, đầu tư nên cần phải thay đổi lại... Bộ máy, trang thiết bị cần phải hiện đại để làm sao cán bộ ngành TN&MT có thể làm việc bằng hai, bằng mười, điều này rất quan trọng trong công tác phát triển bền vững”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành cần tiếp tục tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại. Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Tạo bước đột phá về tư duy và hành động để cải thiện môi trường các khu, cụm công nghiệp lưu vực sông, làng nghề, đô thị. Triển khai nghiêm túc kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về Bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành đến nay.
Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực của Ngành cũng như là tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy để hoạt động tinh gọn, hiệu quả, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về TN&MT là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương, đảm bảo các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai rộng rãi các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), block chain… trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số phục vụ người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đoàn kết, đồng lòng, thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc ý kiến phát biểu chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đối với ngành TN&MT. Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng là những định hướng rất quan trọng để toàn Ngành quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch công tác năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây cũng là tình cảm, sự quan tâm, động viên, khích lệ của Phó Thủ tướng đối với cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành; đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành TN&MT đã và sẽ phải giải quyết trong thời gian tới, để tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ TN&MT và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ; sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác trong thời gian tới, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả với Phó Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là quán triệt sâu sắc quan điểm “Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trọng tâm”; xác định môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, đó là Kinh tế - Văn hóa Xã Hội - Môi trường, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, toàn ngành TN&MT quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; trọng tâm là ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành đồng bộ các luật: Đất đai, Tài nguyên nước, Địa chất và Khoáng sản. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học; bổ sung thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế Các-bon thấp để hướng tới mục tiêu Net Zero
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Trọng tâm là xây dựng, số hóa dữ liệu thông tin đất đai; hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm; xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế - Văn hóa Xã hội - Môi trường; trên cơ sở đó, Ngành tiếp tục tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại. Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Tạo bước đột phá về tư duy và hành động để cải thiện môi trường các khu, cụm công nghiệp lưu vực sông, làng nghề, đô thị. Triển khai nghiêm túc kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành đến nay.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị hỗ trợ chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong từng tổ chức Đảng đối với các nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Qua đó, tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thông qua Hội nghị, Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn các đồng chí là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các Ủy ban của Quốc Hội, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan truyền thông đã luôn quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng ngành TN&MT trong suốt thời gian qua. Đồng thời mong rằng, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các đồng chí trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
“Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành TN&MT trong năm 2025 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Nhưng tôi tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, với các giải pháp hiệu quả, khả thi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.” – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.