Bến Tre: Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dừa sạch
(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Bến Tre có nhiều giải pháp đảm bảo lợi ích chính đáng cho người trồng dừa hữu cơ nhằm thu hút nông dân tham gia phát triển mạnh vùng sản xuất dừa hữu cơ; đồng thời có kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm phát huy tiềm năng kinh tế tuần hoàn từ cây dừa.
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước, với khoảng 80.000 ha. Ở giai đoạn hiện nay, tỉnh Bến Tre đang triển khai công tác tuyên truyền cũng như xây dựng các vùng sản xuất tập trung để người dân địa phương chuyển đổi phương thức canh tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, chi phí đầu tư ban đầu có khá cao so với sản xuất thông thường từ 5%-10% do việc sử dụng thêm công lao động trong việc thực hành sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, giá bán dừa hữu cơ hiện nay, các doanh nghiệp cam kết thu mua cao hơn từ 10-15%, vì vậy thu nhập và lợi nhuận của nông hộ cũng tăng, liên kết thu mua ổn định hơn.
Trong vai trò quản lý Nhà nước, Sở NN&PTNT Bến Tre đã phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền người dân duy trì và phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phối hợp thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm cho thị tường. Tổ chức các lớp tập huấn nông dân thực hành sản xuất hữu cơ theo quy định; hàng năm xây dựng và tổ chức ít nhất 150 điểm tư vấn, hướng dẫn thực hành ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Sở NN&PTNT Bến Tre còn phối hợp Sở Tư pháp xây dựng hợp đồng mẫu tiêu thụ nông sản hàng hoá để hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham khảo, sử dụng trong việc ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp liên kết sản xuất dừa hữu cơ đảm bảo đồng hành, đầu tư một phần kinh phí cho việc duy trì và đánh giá chứng nhận dừa hữu cơ; gắn kết và tổ chức thu mua tốt vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, bảo đảm chi phí tăng thêm khi thu mua dừa sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã phát triển được trên 20.400ha diện tích dừa hữu cơ. Thời gian tới, để mở rộng diện tích dừa hữu cơ, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách về sản xuất nông sản theo chuỗi, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển bền vững, nhất là Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Bến Tre phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc trên địa bàn. Xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo quy định. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn tập trung với các sản phẩm chủ lực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận OCOP cho sản phẩm hữu cơ gắn chỉ dẫn địa lý. Tập trung xây dựng liên kết sản xuất dừa hữu cơ, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói dừa tươi để đáp ứng quy định xuất khẩu dừa tươi sang thị trường ngoài nước.
Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích dừa khoảng 80.000ha, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2, chưa kể cây dưới tán dừa. Cây dừa với sinh khối lớn và tuổi thọ lâu năm có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong suốt vòng đời của nó. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Riêng về phát huy tiềm năng kinh tế tuần hoàn từ cây dừa, theo ông Đoàn Văn Đảnh, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa đến năm 2030. Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng tập trung nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua việc đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Điển hình như, tỉnh Bến Tre đã và đang xây dựng mô hình “Ứng dụng nguyên tắc sản xuất tuần hoàn vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị Dừa” quy mô 10 ha tại xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam và xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. Kết quả mô hình, năm 2023 đã hỗ trợ vật tư đợt đầu cho các hộ tham gia mô hình gồm vôi, mụn dừa và phân bò ủ phân theo quy trình hướng dẫn. Sau khi phân ủ đã hoai tốt các hộ đã bón cho vườn dừa. Năm 2024, người dân địa phương tiếp tục sử dụng phế phụ phẩm từ cây dừa để ủ phân theo quy trình và tiếp tục bón cung cấp dinh dưỡng cho vườn dừa.
Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ sản xuất bền vững, tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện môi trường. Hỗ trợ phổ biến, lan toả và nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân. Giới thiệu, chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, chu trình khép kín. Xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến nông để triển khai thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù vùng sinh thái và quy mô sản xuất.