Lai Châu: Rừng là nguồn lực để phát triển bền vững
(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại tỉnh Lai Châu, đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Trách nhiệm, nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư được nâng lên, tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, nhiều người dân không mặn mà với rừng, nhất là trong việc trồng và bảo vệ rừng. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều năm trước, các vụ phá rừng thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tình trạng đó đã được khắc phục và có sự thay đổi rõ rệt khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai.
Sự thay đổi lớn nhất là ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đánh giá hiệu quả chính sách dịch vụ môi trường rừng, bà Tòng Thị Hương, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu, chia sẻ: Năm 2022, tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh là 450.544,34ha. Thực hiện chi trả tiền DVMTR với 46 lưu vực gồm 07 lưu vực liên tỉnh và 39 lưu vực trong tỉnh. Thông qua chính sách chi trả DVMTR giúp nâng cao công tác quản lý và bảo vệ rừng, từ đó đời sống của người dân được bảo đảm, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt.
Không chỉ đem lại nguồn thu bền vững, ổn định cho người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, dịch vụ môi trường rừng còn góp phần nâng cao hiệu quả vào quản lý, khai thác bền vững tài nguyên đất trong lâm nghiệp; cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, đây cũng là một nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân. Số tiền được nhận từ dịch vụ môi trường rừng, còn giúp người dân mua cây giống để trồng rừng, chi trả cho việc chăm sóc cây rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và mua sắm trang thiết bị, vật dụng để bảo vệ rừng hiệu quả.
Ông Lý Văn Thếm, người dân bản Nậm Củm 2, xã Mường Tè, huyện Mường Tè cho biết: Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà người dân chúng tôi ý thức rõ hơn về quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Năm qua, gia đình tôi được nhận hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền nhận được đã một phần giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Gia đình tôi và các hộ dân trong bản đều tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản, các thành viên trong tổ thường xuyên đi tuần tra, canh gác trong rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Những cánh rừng của bản được người dân chung tay bảo vệ nên ngày càng phát triển xanh tốt.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Lai Châu đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định, là nguồn lực để người dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát triển bền vững tài nguyên rừng thời gian tới.