Lai Châu: Đưa nước sạch đến với đồng bào DTTS
(TN&MT) - Lai Châu là một tỉnh miền núi, hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nước sinh hoạt tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào chủ yếu sử dụng nguồn nước dẫn từ suối, khe núi, giếng đào và nước mưa, chất lượng nước không đảm bảo. Bên cạnh đó, do phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên nguồn nước của bà con không ổn định. Về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên cạn, dẫn đến người dân thiếu nước sinh hoạt.
Trước đây, người dân vùng đồng bào DTTS tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu thường phải sử dụng nước suối để tắm giặt, ăn, uống. Hàng ngày người dân phải ra suối để cõng nước về sử dụng trong sinh hoạt, vào mùa khô nguồn nước thường bị thiếu hụt và ô nhiễm do thói quen thả rông gia súc…
Với đặc thù là tỉnh miền núi khó khăn, nhiều đồng bào DTTS sống phân tán, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp... nên mục tiêu đưa nước sinh hoạt về vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm. Vì thế mọi nguồn lực và các chương trình mục tiêu quốc gia, đã được các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu đầu tư để mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước, nâng cao tỷ lệ người dân là đồng bào DTTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Là một trong những huyện có nhiều bản xa, điều kiện kinh tế kém phát triển huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu những năm trước nhiều bản chưa có công trình nước sạch, một số hộ phải tự bỏ tiền mua máy hút nước, ống dây dẫn nước từ mó về. Tuy nhiên, do không có bể lọc nên trời mưa bùn đất, rác trôi theo làm tắc ống và làm nước đục mất vệ sinh. Vào mùa khô, nhất là vào tháng 3, tháng 4 hằng năm, nguồn nước cạn kiệt, nhiều gia đình không có nước để sử dụng.
Những năm gần đây, các chương trình nước sạch nông thôn chương trình 30a, 135, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia… và nhiều nguồn lực khác huyện Phong Thổ nói riêng và các huyện khác của tỉnh Lai Châu nói chung, đã chủ động xây dựng hệ thống nước sinh hoạt lắp ống dẫn nước về bản cho người dân. Hiện nay, các bản đều có bể chứa nước để người dân sử dụng. Chính vì vậy mà nguồn nước không bị thiếu hụt nhiều như những năm trước đây. Ngoài ra tại các khu vực thị trấn, trung tâm xã khu vực có điều kiện thuận lợi, người dân đã được cung cấp nước sạch, nước máy theo quy định.
Ông Trần Bảo Trung, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Huyện Phong Thổ có 152 công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho trên 11.600 hộ dân với 55.924 nhân khẩu. Nhờ người dân đồng thuận lắp đồng hồ công tơ, trả tiền nước sử dụng từ đó có thêm kinh phí để đội tự quản vận hành sửa chữa bảo dưỡng. Đến nay, các công trình cấp nước sinh hoạt tại huyện Phong Thổ đều phát huy hiệu quả sau đầu tư, tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng lên 89%. Trong năm 2023, huyện Phong Thổ đầu tư thêm 5 công trình cấp nước sinh hoạt với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng, phục vụ cho 274 hộ ở các xã Ma Ly Pho, Nậm Xe, Bản Lang, Hoang Thèn. Ông Trung nói
Được biết để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và sự bền vững lâu dài của công trình nước sinh hoạt, các xã đã xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc các tổ quản lý, vận hành tu sửa, bảo dưỡng đường cấp nước về bản cho dân. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật tu sửa, bảo vệ các công trình nước sinh hoạt đã được Nhà nước đầu tư tránh việc người dân thả rông trâu bò, gia súc phá hủy làm hư hỏng đường ống dẫn nước và làm nguồn nước đầu nguồn mất vệ sinh.
Còn tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu số lượng hệ thống công trình nước sạch cũng tăng lên qua từng năm. Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, cho biết: Đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 114 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tới địa bàn các xã, bản, số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 95,9%. Các công trình cấp nước sinh hoạt khi được đầu tư xây dựng sẽ được lắp đặt đồng hồ tới từng hộ gia đình để thuận tiện cho việc quản lý vận hành. Để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình nước sinh hoạt, UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ quản lý tại các bản. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc các tổ quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa công trình hằng tháng, quý... để đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (trong đó cấp nước sạch cho 99,6% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 84,92% dân số khu vực nông thôn). Lai Châu đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% dân số khu vực thành thị được sử dụng nước sạch sinh hoạt và 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh. Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu.