Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm tác động của ô nhiễm nhựa đến sức khỏe

Hoàng Ngân| 28/06/2022 23:36

(TN&MT) - Chiều 28/6, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022: Phát thải ròng bằng không – Từ cam kết đến hành động”, Đối tác Hành động vì Nhựa và Sức khỏe (PHA) đã chủ trì hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe”.

img_8537.jpg
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) phát biểu tại Hội thảo

Ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sinh vật biển, cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến ​​tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng đã góp phần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng cũng như gia tăng các nguồn thải. Nhìn chung, tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, nhựa và nilon chiếm 3,4% - 10,6%, giấy và bìa cứng 3,3 - 6,6%, kim loại 1,4 - 4,9% và thủy tinh 0,5 - 2,0%. Chất thải hữu cơ (50,2 - 68,9%) và chất thải khó phân hủy (14,9% - 28,2%) chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Đứng trước bối cảnh đó, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy các giải pháp Kinh tế Tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe” do Đối tác Hành động vì Nhựa và Sức khoẻ (PHA) chủ trì đã tập trung chia sẻ về các rủi ro và cơ hội của kinh tế tuần hoàn trong mối liên hệ tới sức khỏe; mối liên hệ giữa kinh tế tuần hoàn và cách tiếp cận một sức khỏe; khả năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong việc tái chế rác thải hữu cơ để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững; các ứng dụng và lợi ích của kinh tế tuần hoàn liên quan đến nhựa dùng một lần trong ngành Y tế; các mô hình kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

img_8529.jpg
Giám đốc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) Bùi Thị Hồng Hà chia sẻ tại hội thảo

Đa số các ý kiến cho rằng, nhựa một lần đang được sử dụng tại nhiều ngành nghề hiện nay, điều này không chỉ gây hại đến sức khoẻ con người mà còn gây ra vấn đề cạn kiệt tài nguyên. Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới tái tạo chất thải, sử dụng chất thải ngành này làm đầu vào nguyên liệu sản xuất của ngành khác sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) cho biết: Các cơ sở y tế trong quá trình hoạt động khám chữa bệnh có sử dụng một khối lượng lớn sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Các chất thải nhựa y tế này phần lớn là chất thải lây nhiễm đang được đốt hoặc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, những loại chất thải nhựa này cũng là một nguồn tài nguyên cần được thu gom và tái chế. Bằng cách tiếp cận các mô hình kinh tế tuần hoàn, nguồn chất thải nhựa này sẽ được giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế vừa bảo vệ môi trường vừa giảm chi phí xử lý chất thải của các cơ sở y tế.

1(1).jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Chia sẻ về lợi ích của kinh tế tuần hoàn trong mối liên hệ với sức khoẻ con người, chị Huỳnh Thu Ba - cố vấn Môi trường và biến đổi khí hậu của Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI360) cho biết: “Với việc sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sức khỏe của người lao động được cải thiện, sức khỏe con người cũng tốt hơn, giảm bệnh tật, giảm các bệnh lây truyền qua nước. Ngoài ra, việc giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ giảm các bệnh về tâm thần, suy dinh dưỡng, hô hấp của con người, giảm áp lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe, từ đó, có lợi cho nền kinh tế của quốc gia”.

ThS. Bùi Thị Hồng Hà - Giám đốc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) nhấn mạnh khả năng ứng dụng Kinh tế tuần hoàn trong việc tái chế rác thải hữu cơ để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững qua mô hình ở Đông Anh.

Theo bà Hà, việc xử lý rác hữu cơ tăng lên rất nhiều sau khi người dân biết phân loại rác thải. Rác hữu cơ được phân loại và sử dụng cho bốn mục đích: ủ phân bón, nuôi con giun, làm thức ăn cho gia súc và làm enzym. Là một huyện chủ yếu làm nông nghiệp, phân hữu cơ ở huyện hiện chủ yếu 50 - 60% là rác hữu cơ, rác bếp tại nhà.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng quan tâm và cùng thảo luận về các khoảng trống kiến thức trong việc áp dụng Kinh tế Tuần hoàn để giảm tác động ô nhiễm nhựa đến sức khỏe đồng thời đánh giá các cơ hội để thúc đẩy và áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các ngành nghề tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm tác động của ô nhiễm nhựa đến sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO