Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV.
Trong lịch trình chuyến công tác, Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại khu vực hạ du Thuỷ điện Hòa Bình, các địa điểm ven sông Đà thuộc xã Hợp Thịnh, xã Hợp Thành, phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình. Đoàn đã có trao đổi thực địa với Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hòa Bình Trần Quốc Toản để nắm tình hình và mức độ tác động của đợt lũ tiểu mãn đối với các vùng ven sông Đà.
Ông Trần Quốc Toản cho biết, những tác động do xả lũ sông Đà đã được cảnh báo sớm, tuy vậy, vẫn có thiệt hại cho các khu vực nuôi cá hộ gia đình ven sông, sụt lún 1 số công trình công cộng và hoa màu trồng ngoài bãi bồi. Cụ thể, thiệt hại khoảng 3 tấn cá các loại tại xóm Thia, phường Tân Hòa; làng Chài, phường Thịnh Lang và phường Đồng Tiến. Nguyên nhân ban đầu xác định là do thay đổi môi trường nước đột ngột. Việc xả lũ cũng làm sụt lún phía trong và ngoài tường bao trường Tiểu học, THCS Hợp Thịnh…
Tiếp đó, Đoàn công tác đã làm việc với Công ty Thuỷ điện Hoà Bình. Báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, thực hiện quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính, đến sáng 17/6, Thuỷ điện Hoà Bình đã mở 5 cửa xả lũ với mức nước dao động 18,03m, chênh lệch so với ngày 12/7 khi mở 1 cửa xả là 6,23m.
Lưu lượng nước về hồ là 7344m3/s, lưu lượng xả là 10.464m3/s (xả qua cửa là 8033m3/s, xả qua tổ máy là 2411m3/s). Theo đó, mực nước hồ Hòa bình đang giảm mỗi giờ là 6cm và sẽ tiếp tục giảm nhanh khi hồ Sơn La đóng cửa xả đáy.
Để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên nước và nâng cao hiệu quả phát điện, Công ty Thủy điện Hòa Bình đề nghị Đoàn công tác xem xét, báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho phép Công ty đóng dần các cửa xả đáy từ ngày 17/6. Công ty sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ trên lưu vực và kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo khi có mưa lũ bất thường.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ tháng 5 đến nay, ở khu vực Hòa Bình đã xuất hiện 3 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng; đợt 1 từ ngày 21-24/5 với tổng lượng mưa phổ biến 150-220mm; đợt 2 từ ngày 7-8/6 với tổng lượng mưa từ 70-150mm.
Tổng lượng mưa tại khu vực Hòa Bình trong tháng 5/2022 phổ biến từ 320-450mm, cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-50%; riêng tại Chi Nê (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) cao hơn 110%. Từ đầu tháng 6 tới nay, tổng lượng mưa ở khu vực Hòa Bình phổ biến từ 165-220mm, cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-70%, trong đó Mai Châu vượt 1,5 lần so với TBNN.
Theo dự báo, từ nay đến khoảng ngày 20/6, khu vực Hòa Bình xảy ra nắng nóng với mức nhiệt phổ biến 35-37 độ; từ ngày 21-23/6 có mưa rào và dông với lượng mưa phổ biến 30-50mm; từ ngày 24/6 trở đi đến cuối tháng cơ bản là ít mưa.
Tại cuộc làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đã trao đổi và tìm hiểu những vướng mắc trong công tác phối hợp, cung cấp thông tin vận hành hồ chứa, đồng thời cho biết, ngành KTTV sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quyết định điều chỉnh chung, trong đó, s ẽ sửa đổi một số điều của các quy trình vận hành liên hồ trên một số lưu vực sông để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, bất cập chung của các quy trình, đặc biệt là bổ sung cơ chế phối hợp vận hành, cung cấp thông tin, dữ liệu,…
Theo ông Trần Hồng Thái, đề xuất điều chỉnh sẽ hướng tới phát huy tính linh hoạt để thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa trong tích nước phục vụ sản xuất điện và cấp nước cho hạ du.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV giao Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Đài KTTV khu vực Tây Bắc, Đài KTTV tỉnh Hoà Bình tiếp tục đảm bảo công tác quan trắc, dự báo cảnh báo sớm mọi diễn biến tác động của thời tiết, vừa phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống giảm nhẹ thiên tai vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trên lưu vực Sông Đà.
Nhân chuyến công tác, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với Đài KTTV tỉnh Hòa Bình.