Khơi thông nguồn lực đất đai
(TN&MT) - Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia, do đó, việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng đất
Trong mỗi một giai đoạn lịch sử, trước yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước, chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước đã liên tục được đổi mới, từ đó, đưa nguồn tài nguyên đất đai dần trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế cạnh tranh, đồng thời sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương rà soát, cắt giảm các khu công nghiệp sử dụng nhiều đất canh tác tại khu vực đồng bằng nhưng chưa kêu gọi được nhà đầu tư; xem xét bổ sung mở rộng các khu công nghiệp nằm trên địa bàn các tỉnh trung du, miền núi, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh để phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới, đầu tư phát triển, giảm áp lực tại khu vực đồng bằng.
Nhìn lại sau 78 năm hình thành và phát triển, ngành quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng về đất đai góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Nội dung cơ bản của công tác quản lý đất đai đã dần được định hình rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai (từ Luật Đất đai: 1987, 1993, 2003, 2013 đến các văn bản dưới luật).
Gần đây nhất là Luật Đất đai năm 2013 đã tạo khung pháp lý cho các địa phương thực hiện tốt các nội dung quản lý đất đai nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực này.
Theo đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả lĩnh vực, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Trong đó, đã tổ chức chỉ đạo để rà soát xử lý tình trạng lãng phí đất đai; hoàn thành cơ bản công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới đất nông, lâm trường; hoàn thành cấp giấy chứng nhận đối với 97,6% diện tích đất, làm nền tảng kỹ thuật cơ bản và thông tin đầu vào chính xác cho công tác quản lý đất đai ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn; là cơ sở quan trọng để thực hiện việc minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai, tạo tiền đề để hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH chung của cả nước.
Đặc biệt, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước...
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng đất trong bối cảnh phát triển hiện tại của quốc gia và hội nhập quốc tế. Công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực đất đai; phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước; tạo cơ sở pháp lý để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Việc thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã có chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi.
Tuy nhiên, tổng kết Luật Đất đai 2013 cho thấy, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng… Những tồn tại, bất cập này có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...
Hoàn thiện chính sách, đưa đất đai thành nguồn lực phát triển
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó đã đưa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước từ đất đai không ngừng tăng lên hàng năm so với tổng thu ngân sách cả nước, cụ thể từ 7,8% năm 2013 lên 16,85% năm 2020, trong đó chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (từ năm 2013 đến năm 2020, tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23% tổng các nguồn thu từ đất).
Nghị quyết có nhiều điểm mới cả trong quan điểm, mục tiêu, cả trong nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Theo đó, về quy hoạch sử dụng đất, Nghị quyết nhấn mạnh: "Nhà nước đảm bảo đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất" để hạn chế việc lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực".
Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ: Hoàn thiện các quy định để đảm bảo công khai, minh bạch về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.
Nghị quyết cũng quy định bỏ khung giá đất, yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, Trung ương cũng quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất.
Nghịch lý giá đất giữa giá đền bù và giá thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp, phức tạp. Do đó, yêu cầu đưa giá đất về sát giá thị trường là một trong những giải pháp quan trọng được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập trong lĩnh vực đất đai hiện nay.
Thể chế hóa Nghị quyết 18, các Nghị quyết của Đảng, hiện nay, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đang nỗ lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến nhân dân với hơn 12, 1 triệu lượt ý kiến góp ý và thảo luận tại các kỳ họp thứ 4, 5, 6, Quốc hội Khóa XV và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp gần nhất nhằm tháo gỡ những bất bập, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển KT - XH của đất nước.