Khí tượng thủy văn Việt Nam – 75 năm vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Hiện đại hóa vươn tầm quốc tế

Khải Minh| 01/10/2020 11:19

(TN&MT) - Ngành KTTV Việt Nam đã và đang phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa, từng bước vươn tầm quốc tế.

Cuối năm 1975, ngành KTTV Việt Nam gia nhập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và ngay trong năm 1975, 1976 đã đăng ký vào danh sách mạng lưới trạm quan trắc cơ bản của WMO và thực hiện việc phát báo quốc tế đối với 22 trạm khí tượng của mình (trong đó, có các Trạm Trường Sa, Hoàng Sa). Từ đó đến nay, ngành KTTV đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ đại diện Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế về KTTV được phân công, mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế theo tinh thần: đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ tối đa nguồn viện trợ để phát triển ngành.

Theo hướng đó, trong khuôn khổ Tổ chức Khí tượng Thế giới, Ngành KTTV Việt Nam đã tham gia hầu hết các ban kỹ thuật (Khí hậu, Thủy văn, KTTV biển, Hệ thống cơ sở và nghiên cứu khí quyển), từng bước trở thành thành viên quan trọng của WMO trong các chương trình hợp tác tự nguyện, các chương trình nghiên cứu của WMO tại khu vực Đông Nam Á; tích cực tham gia công tác quản lý và cải tổ hệ thống của WMO tại khu vực châu Á.

Đoàn Đại biểu của Việt Nam tham dự Đại Hội đồng lần thứ 18 của Tổ chức Khí tượng thế giới, tháng 6/2019 tại Geneve, Thụy Sĩ

Trong những năm gần đây, các hoạt động trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu, Công ước viên và Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ô-zôn đã được thực hiện rất tích cực, được WMO và các Tổ chức Quốc tế có liên quan đánh giá cao. Quan hệ với các tổ chức: UNDP, UNEP, UNESO, UBLT Sông Mê Kông, Ủy ban Bão, Ủy ban Liên chính phủ về hải dương (IOC), Chương trình Thủy văn quốc tế (PHI),… ngày càng mở rộng với những nội dung hợp tác ngày càng phong phú, đa dạng.

Đến nay, ngành KTTV đã tiệm cận được những phương tiện, mô hình, phương án dự báo hiện đại nhất của thế giới trong nhiều lĩnh vực. Các mô hình của những nước hàng đầu trên thế giới đã được ứng dụng thành công ở Việt Nam với chất lượng dự báo ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

Chúng ta có được một hệ thống tính toán siêu máy tính lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á cho phép có được những thông tin khá đầy đủ, tin cậy để đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo tin cậy nhất. Đặc biệt, ngành bước đầu tham gia hoạt động quản lý, điều hành của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thông qua việc ứng cử và được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á…

Bám sát chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về định hướng hợp tác quốc tế, Tổng cục đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được đảm nhiệm từ các Tổ chức như: Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão, Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á,... Qua đó, ngành KTTV Việt Nam nói chung, Tổng cục KTTV nói riêng đã được nâng lên tầm cao mới, đạt vị thế đáng kể trên trường quốc tế.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành KTTV đã đạt được trong 75 năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng cho ngành nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba tại Quyết định số: 09/LCT ngày 7/3/1962 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa; Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành KTTV theo Quyết định số 569 KT/CTN, ngày 6/9/1995 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 2002 cho cho cán bộ, công chức, lao động Mạng lưới KTTV theo Quyết định số 938/QĐ-CTN ngày 27/12/2002 của Chủ tịch nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí tượng thủy văn Việt Nam – 75 năm vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Hiện đại hóa vươn tầm quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO