Rủi may phận phu vàng…
Kể từ thời điểm Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden Việt Nam (C.ty Molybden) dừng hoạt động khai thác, bất chấp các hiểm nguy đang rình rập, rất nhiều người dân đã đổ về mỏ vàng để tìm kiếm, tận thu và khai thác vàng trái phép. Không hề có thiết bị bảo hộ lao động, họ vẫn cần mẫn đào bới từng mạch đá với hy vọng tìm kiếm được vàng.
Thời đầu đi bãi, may rủi ra sao không rõ, nhưng họ kháo rằng đi là có tiền, rẻ cũng kiếm được tiền triệu mỗi ngày, không thì cả trăm triệu, hơn đứt việc làm nương. Diện mạo các bản làng vì thế mà khởi sắc, nhiều nhà sắm ti vi, đầu quay video, mua xe...
Trở lại câu chuyện năm 2017, khi theo chân Vàng A Vư, lúc đó là cán bộ văn hóa xã Phì Nhừ làm “hoa tiêu” dẫn chúng tôi thâm nhập bãi vàng, chúng tôi được A Vư kể: Khoảng vài năm trở về trước, trong bản có “phu” số đỏ đào thấy cả cục vàng, ước tính cả trăm triệu, nhanh chóng “phất như diều gặp gió”. Mọi người thấy vậy bỏ cả nương rẫy, đua nhau đi đào vàng, mua sắm cả máy nghiền đá bột làm vàng. Thậm chí có nhà mua hẳn 4 máy về làm. Chuyện “đại gia bản” lái ô tô, máy xúc bới vàng bây giờ cũng không còn hiếm nữa!”
Cũng từ A Vư, chúng tôi được nghe câu chuyện về người đàn ông tên Vàng A Chịa, người dân bản Háng Trợ. Khi đó, Vàng A Chịa tìm ra khu vực nghi có nhiều quặng vàng, sợ bị lấy mất nên cứ ngồi trông hoài. Đúng ngày mưa to, gió lớn, A Chịa bị rét gần chết. Cũng may người nhà tìm thấy…
Đồ đạc của những phu vàng trong hang đá sau khai thác. |
Vào ngày 20/3/2020, khi quay trở lại khu vực khai thác vàng, một khai trường nhếch nhác hiện ra trước mắt. Hàng chục người dân vẫn hì hục ghè đẽo giữa trưa trời nắng nóng. Chúng tôi gặp lại Vàng A Vư nhưng trong một hoàn cảnh khác - Vàng A Vư trở thành một phu vàng.
Bắt chuyện với Vàng A Vư, chúng tôi được biết: Sau khi nghỉ công việc cán bộ văn hóa xã, ngoài những ngày đi làm nương, buôn trâu bò, mình lại vào khai thác vàng cùng anh trai. Vàng bây giờ hiếm rồi, ngày làm cũng chỉ kiếm được 2, 3 trăm nghìn…
Điều đáng nói là gần như không ai trong số các phu vàng có thiết bị bảo hộ lao động. Họ men theo các vách đá dựng đứng hay chui vào những hầm lò công ty đã khai thác trước đây, họ lao vào tìm vàng bất chấp nguy hiểm có thể đổ sập xuống đầu bất cứ lúc nào.
Không biết giấc mơ vàng có trở thành hiện thực hay không nhưng đã có những mạng người phải gửi lại nơi thâm sơn cùng cốc vì sập hầm, lở đất. Dẫu vậy, người dân hình như chẳng sợ điều đó, bởi nhiều người trong số họ… vì nghèo mới đến.
Ngày ngày, tiếng ghè đẽo vẫn vang lên chát chúa phá tan sựu tĩnh lặng nơi thâm sơn, mặc cho giấc mộng đổi đời từ vàng chất chứa đầy may rủi…
Hiển hiện ô nhiễm môi trường
Kể từ ngày C.ty Molybden tiến hành khai thác mỏ vàng tại bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, dòng suối Khó Sâu dài gần 10km, bắt nguồn từ bản Háng Trợ, chảy qua một số bản lân cận rồi dẫn xuống khu dân sinh bản Nà Ngựu, xã Phì Nhừ, trước khi đổ vào sông Mã (khu vực tiếp giáp với xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) nhiều năm trở lại đây không có ngày nào nước trong. Dòng nước đục ngầu, đỏ bùn đất, khiến người dân chật vật tìm kiếm nước sạch dùng trong sinh hoạt, phục vụ cuộc sống.
Để bắt được vàng, người dân phải dùng thủy ngân. Trong ảnh: Điểm xay quặng tại bản Cồ Dề, xã Phì Nhừ. |
Trước đây, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm này là do trong quá trình khai thác mỏ vàng của C,ty Molybden ở khu vực đầu nguồn nước, khối lượng đất, đá phát sinh quá lớn, chảy xuống lấp một dòng suối Khó Sâu. Cùng với nước thải sinh hoạt của hàng trăm công nhân và những người dân khai thác vàng trái phép được thải trực tiếp xuống suối kết hợp với các loại chất thải như dầu, mỡ từ các phương tiện máy móc thải ra môi trường đều đổ dồn về suối làm cho dòng suối Khó Sâu thêm ô nhiễm nặng nề.
Sau khi C.ty Molybden giải thể và bị rút giấy phép khai thác, tình trạng người dân tiếp tục vào tận thu, khai thác lấy quặng và chế biến tại chỗ càng khiến cho nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Bởi để có được vàng theo phương pháp thủ công, người dân đã không ngần ngại dùng thủy ngân, một hóa chất độc hại để “bắt” vàng. Nước thải đổ trực tiếp ra suối khiến cho dòng suối Khó Sâu càng trở nên độc hại.
Nguồn nước Khó Sâu, đoạn chảy qua bản Cồ Dề, xã Phì Nhừ bị đục ngầu do khai thác vàng trên thượng nguồn. |
Chúng tôi gặp được ông Lầu A Sếnh, bản Cồ Dề, xã Phì Nhừ từng là một chủ xay vàng cả gần chục năm. Vì đã không còn làm công việc này nữa nên ông Sếnh không ngần ngại chỉ cho chúng tôi cách “bắt vàng” mà người dân nơi đây vẫn thường làm: Sau khi đá xay ra, để lấy được vàng thì phải dùng thủy ngân để bắt. Sau đó đốt lên thì được hỗn hợp vàng và bạc, còn để có được vàng nguyên chất thì phải thêm một số hóa chất nữa…
Theo phu vàng tên Vàng A Lá, bản Chua Ta, xã Phì Nhừ cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, do chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng của huyện thỉnh thoảng vào kiểm tra, phát hiện và thu giữ máy móc nên gần như không ai chế biến tại đây nữa. Chúng tôi vào vào đào quặng rồi chở ra bên ngoài.
Các túi nước được đắp lên để phục vụ cho việc khai thác vàng. |
Dù việc chế biến tại chỗ đã giảm và gần như không còn nhưng để có được nhứng khối quặng có vàng, người dân đã thay đổi phương thức tìm kiếm vàng bằng cách đắp đất, be bờ hoặc căng bạt ni-lông thành những túi nước có dung tích chứa lên đến hàng chục khối ở những nơi càng cao càng tốt, rồi gom nước của con suối trên thượng nguồn đổ về. Khi nước trong túi nước đủ đầy, sẽ được xả xuống để nước chảy xuống núi. Sau đó, người dân sẽ xuôi theo đường dòng nước chảy qua để tìm quặng.
Với cách thức này, mỗi một lần xả nước hàng khối đất đá bị cuốn trôi xuống chân núi, tạo nên những đường rãnh sâu hoắm chạy dọc từ lưng núi. Kéo theo đó là nguồn nước đục ngầu, ô nhiễm, chảy về phía hạ nguồn con suối Khó Sâu.
Việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường sau khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác quản lý điểm mỏ trước, trong và sau khai thác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về quá trình cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ vàng này.