Nậm Pồ (Điện Biên): Vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp nông thôn
(TN&MT) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện, nhất là phong trào phong trào nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng gia đình nông dân văn hóa… Từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Xác định nhiệm vụ là vận động tập hợp, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã thể hiện rõ vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM. Các cấp Hội nông dân từ huyện đến cơ sở đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức Hội trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh.
Để giúp nông dân phát triển sản xuất, tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, Hội nông dân huyện đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề với 412 học viên tham gia, ngoài ra thường xuyên đôn đốc cơ sở hội tiếp tục chăn sóc, phát triển nhân rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn hội viên, nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo mùa vụ; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng xuất, chất lượng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong các hoạt động phong trào của Hội nhất là các phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Cùng với đó, phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, động viên nông dân đóng góp công sức, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội,...
Phát huy lợi thế của địa phương, Hội nông dân huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay giúp hội viên nông dân thay đổi tập quán canh tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân như: Mô hình dự án phát triển Chanh leo với tổng diện tích gần 41 ha đang triển khai ở xã Si Pa Phìn. Sau gần 7 tháng triển khai trồng, chăm sóc đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt đã ra hoa và cho bói quả lứa đầu tiên, vào tháng 6 năm 2024 sản lượng đạt khoảng từ 60 - 80 tấn.
Ông Poòng Văn Quy, bản Nà Én, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ, cho biết: Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai ở địa phương phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây bí đỏ ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng Bí đỏ.
Ban đầu, ông trồng thí điểm 0,6 ha, sau vụ đầu tiên, thấy cây bí đỏ phù hợp với điều kiện đất đai, phát triển tốt, năng suất cao, giá bán phù hợp nên gia đình ông thấy việc trồng bí đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên đến trên 1ha. Đến nay, cây bí đã cho thu hoạch, bình quân đạt từ 16 đến 18 tấn/ha, với giá bán từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg tại vườn, gia đình ông trừ chi phí thu lợi nhuận từ 70 triệu đồng/ha/vụ.
Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện ngoài duy trì các hoạt động của Hội, còn tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào, mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.