Tư vấn pháp luật

Khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường, bị xử lý ra sao?

Báo TN&MT 22/05/2024 - 18:03

(TN&MT) - Trường hợp qua Thanh tra phát hiện doanh nghiệp trong quá trình khai thác khoáng sản gây hậu quả nghiêm trọng Đoàn Thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát có thẩm quyền để xác minh và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp theo quy định tại điều 227 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội vi phạm về khai thác khoáng sản hoặc các tội danh khác có liên quan.

Người dân vùng hạ lưu sông (nơi quê tôi sinh sống) hiện vô cùng bức xúc trước tình trạng mỏ vàng của một doanh nghiệp tổ chức khai thác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đây là mỏ vàng đã khai thác từ lâu nhưng đá đổ thải, nước hồ thải treo leo trên sườn đồi, cũng như bùn thải trôi xuống dòng sông. Người dân đã nhiều lần phản ánh về vấn đề này đến các cấp chính quyền nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào và bị xử lý ra sao nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường?

Nguyễn Văn S. (Võ Nhai - Thái Nguyên)

Vấn đề bạn hỏi, Văn phòng Luật sư xin trả lời như sau:

Để khẳng định nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng sông bị “đầu độc” trong thời gian vừa qua, các cấp chính quyền địa phương cấp tỉnh, chủ trì là Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường theo thẩm quyền Ban hành Quyết định lập Đoàn Thanh tra liên ngành nhằm xác minh, làm rõ về tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nguồn nước sông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, sức khỏe của người dân địa phương.

Trường hợp, qua xác minh làm rõ được nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ việc khai thác khoáng sản, khai thác mỏ vàng của doanh nghiệp thì cần phải tiến hành lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính với các lỗi của doanh nghiệp đã và đang thực hiện và buộc doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại hiện trạng ban đầu theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản.

Trường hợp qua Thanh tra phát hiện doanh nghiệp trong quá trình khai thác khoáng sản gây hậu quả nghiêm trọng Đoàn Thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát có thẩm quyền để xác minh và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp theo quy định tại điều 227 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội vi phạm về khai thác khoáng sản hoặc các tội danh khác có liên quan. Đồng thời, qua việc thực hiện Thanh tra nhằm làm rõ doanh nghiệp thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản có đúng theo đề án đã được phê duyệt hay không, trong quá trình khai thác khoáng sản, doanh nghiệp xảy ra những vi phạm pháp luật khác hay không?

Tuy nhiên, mặc dù thời gian qua, người dân sinh sống tại khu vực sông (bạn nêu trên) nhiều lần phản ánh tới các cấp chính quyền cấp tỉnh nhưng không được quan tâm, xem xét giải quyết kịp thời của các Cơ quan Nhà nước, hành vi này có dấu hiệu của việc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và buông lỏng quản lý đối với việc khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh”, đời sống người dân vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của hành vi, những cá nhân, cơ quan có liên quan trong việc chậm trễ xử lý việc ô nhiễm đối với sông có thể bị xử lý theo quy định nội bộ của cơ quan hoặc thậm chí xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường, bị xử lý ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO