MTA Hanoi 2022 sẽ giới thiệu đến cộng đồng sản xuất - chế tạo hàng loạt các công nghệ và giải pháp tiên tiến phục vụ nhu cầu đầu tư thiết bị và máy móc tiếp tục tăng cao của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Triển lãm với diện tích trưng bày hơn 5.000 m2, quy tụ hơn 100 đơn vị trưng bày đến từ 13 quốc gia/vùng lãnh thổ đến từ các quốc gia phát triển như Đức, Anh, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Malaysia, Thái Lan và không thể thiếu các doanh nghiệp đến từ Việt Nam.
Khách tham quan chuyên ngành được gặp gỡ những thương hiệu hàng đầu trong ngành đến từ các khu gian hàng quốc tế và các doanh nghiệp như Sodick, Mitsubishi, Hiwin, Tinh Ha, Hwacheon, Vạn Sự Lợi... Ngoài ra, còn có các thương hiệu mới như Kamogawa, Cominix, Durma, Jinan Bodor, Walter Ewag... và các đơn vị tiêu biểu khác.
Bên cạnh đó, triển lãm MTA Hanoi 2022 tiếp tục mang đến các hoạt động bên lề bổ ích cho khách tham quan. Chuỗi hội thảo hướng tới Sản xuất thông minh cũng như Công nghệ in và Kỹ thuật số sẽ được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ trong 3 ngày với 3 phiên Hội thảo. Nội dung hội thảo được nghiên cứu, xây dựng dựa trên các vấn đề cập nhật, mang tính ứng dụng cao giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc về ngành sản xuất tại Việt Nam, từ đó có thể áp dụng triển khai trong thực tế.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - đại diện Ban tổ chức cho biết: Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, chính vì vậy cơ hội tiềm năng vẫn còn rất nhiều.
Tiếp nối thành công của triển lãm quốc tế MTA Việt Nam vào tháng 7/2022 với 12.500 khách tham quan, hàng trăm đơn vị trưng bày đến từ 11 quốc gia với rất nhiều phản hồi tích cực cùng sự hài lòng đến từ khách tham dự, MTA Hà Nội trở lại và hứa hẹn nhiều sự đột phá đáng mong chờ. “MTA Hà Nội không ngừng sáng tạo, đổi mới để luôn là cầu nối, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng trao đổi, lĩnh hội, kết nối và tiếp cận các giải pháp, nâng cao hiệu quả trong sản xuất tại triển lãm”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam nhận định, với sự tham gia của 13 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng các sản phẩm công nghệ tiên tiến, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với các công nghệ mới nhất cho sản xuất. Theo ông, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 khiến hoạt động sản xuất biến đổi không ngừng, nếu các doanh nghiệp không bắt nhịp kịp thì rất có thể sẽ nhập khẩu về những công nghệ thải loại của các quốc gia khác.
Ông Đào Phan Long cho biết: “Việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất, kiến tạo trong doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam sẽ giúp các nhà máy nâng cao năng lực một cách rõ rệt. Đây được xem là lợi ích hàng đầu và rõ nét nhất của bất kỳ một nhà máy nào khi ứng dụng tự động hóa và cũng là cách để tối ưu hóa năng suất làm việc với các nguồn lực con người được kết nối. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể đạt được tính bền vững với phương pháp sản xuất phụ trợ: Giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu hao năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển”.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Triển lãm: