Kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng vùng ĐBSCL

15/03/2016 00:00

(TN&MT) - Chiều 15/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã chủ trì...

 

(TN&MT) - Chiều 15/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã chủ trì Chương trình Hội nghị với các đối tác, nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là hiện tượng thiên tai mang tính lịch sử. Dự báo mùa mưa đến muộn phải đến tháng 9/2015 mới có mưa. Vì vậy, trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn, cảnh báo cháy rừng ở mức báo động cấp IV - V.

Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 02 tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền cao nhất lên đến hơn 90km. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố trong khu vực đồn bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định: Liên Hợp Quốc luôn đồng hành với Việt Nam chống lại hiện tượng thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Trước tình trạng khẩn cấp như hiện nay, chúng ta cần biết nhu cầu, hỗ trợ nào là cấp thiết nhất. Những hiện tượng thiên tai này là do El Nino gây ra, sau một thời gian nữa sẽ chuyển sang hiện tượng La Nina. Nhưng khi La Nina xuất hiện có thể sẽ gây ra hiện tượng mưa nhiều, thậm chí gây lũ lụt. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để hạn chế tổn thất, giảm nhẹ thiên tai.

Trưởng đại diện Ngân hàng Châu Á tại Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ cũng cho biết, sẽ phối hợp ứng phó khẩn cấp đối với Việt Nam trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay. Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung vào hai hướng đầu tư: Dự án thích ứng biến đổi khí hậu liên quan quan đến nguồn nước và Dự án an ninh tài nguyên nước liên quan đến sông Mê Kông.

Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần thực hiện khẩn cấp việc hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Các địa phương cần ngay lập tức thực hiện các giải pháp tạm thời như: Đắp đập tạm, đào ao, khoan giếng, vận chuyển nước sinh hoạt, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt, máy lọc nước hộ gia đình...

Về lâu dài, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán và thực hiện các dự án để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn như: JICA sớm ký hiệp định vay Dự án thuỷ lợi Bắc Bến Tre (JICA3); Ngân hàng thế giới sớm ký hiệp định vay Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (WB9); ADB sớm ký hiệp định vay Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (ADB8); Chính phủ Hà Lan tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, thể chế cho công tác nạo vét kênh ở Đồng bằng sông Cửu Long; Các nhà tài trợ Hà Lan, Đức...tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển;.... Đồng thời, tiếp tục tài trợ vốn ODA đầu tư các dự án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (tổng kinh phí: 21.460 tỷ đồng).

Vũ Vân - Thu Thuỷ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO