Kết nối sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu

Tuyết Chinh – Hoàng Ngân| 16/12/2019 13:44

(TN&MT) - Phối hợp các sáng kiến về khí hậu, kế hoạch hành động cắt giảm khí nhà kính giữa các Thành phố trong khuôn khổ Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” như: Seoul (Hàn Quốc), Pasig (Philippin), Jakarta (Indonesia) và Hà Nội (Việt Nam) là những nỗ lực để chung tay giải quyết khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Từ những “ngôi làng khí hậu”…

Chia sẻ tại Hội thảo “Chia sẻ các sáng kiến vì khí hậu của các Thành phố Châu Á tham gia dự án Cam kết thành phố tham vọng” mới đây, tại Hà Nội, đại diện TP Jakarta cho biết, Indonesia có mục tiêu giảm 20% phát thải carbon với sự hỗ trợ của quốc tế. Cùng với đó, Jakarta cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% phát thải carbon.

Khẳng định việc cần thiết phải thích ứng với BĐKH vì quá trình phát triển, xây dựng trung tâm quốc gia, đại diện TP Jakarta cho hay, thủ đô của Indonesia nằm trên đồng bằng gồm 30 dòng sông với 40% diện tích nằm dưới mức biển trung bình. Do vậy, rất dễ bị tổn thương vì lũ lụt và các vấn đề về môi trường. Với đặc thù như vậy, chính quyền Jakarta đã đưa ra chiến lược, kế hoạch và nhiều sáng kiến xanh liên quan đến phát thải khí nhà kính.

Đại diện TP Jakarta (Indonesia) chia sẻ các sáng kiến xanh vì khí hậu

Điển hình, sáng kiến “các ngôi làng khí hậu” đã được triển khai từ năm 2018 ở hơn 80 khu vực dân cư; khuyến khích cộng đồng dân cư tiến hành những hành động giảm thiểu BĐKH và thích ứng với BDKH như: giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, thực hành nông nghiệp hữu cơ, trữ nước mưa... Chương trình này ở quy mô nhỏ, nhưng khi nâng lên với các phong trào mạnh dạn hơn sẽ tạo ra một “thành phố quan tâm” đến vấn đề BĐKH.

Theo đại diện Jakarta, Jakarta ưu tiên đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện khả năng di chuyển của người dân. TP đã xây dựng hệ thống tàu điện nội đô 10km (tàu điện đi ngầm và đi nổi) vận hành từ tháng 3/2019 và nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Điển hình, sáng kiến “các ngôi làng khí hậu” đã được triển khai từ năm 2018 ở hơn 80 khu vực dân cư; khuyến khích cộng đồng dân cư tiến hành những hành động giảm thiểu BĐKH và thích ứng với BDKH như: giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, thực hành nông nghiệp hữu cơ, trữ nước mưa... Chương trình này ở quy mô nhỏ, nhưng khi nâng lên với các phong trào mạnh dạn hơn sẽ tạo ra một “thành phố quan tâm” đến vấn đề BĐKH.

Sáng kiến “đường phố đầy đủ” hướng đến xây dựng khu vực dành cho người đi bộ theo chuẩn quốc tế, thúc đẩy việc đi bộ trong TP. Năm 2020, Jakarta đặt mục tiêu xây hơn 60.000km đường dành cho người đi xe đạp, thúc đẩy việc sử dụng xe đạp và phổ biến trong cộng đồng dân cư.

“TP Jakarta cũng xây dựng những “khu vực thứ 3”, “công viên hợp tác”, tiến tới xây dựng thêm hơn 200 khu vực này vào năm 2022. Trước khi xây dựng những “công viên hợp tác” sẽ tìm hiểu nhu cầu của người dân để người dân có thể cảm thấy công viên đó là của chính họ”, đại diện TP Jakarta chia sẻ.

“Chia sẻ các sáng kiến vì khí hậu của các Thành phố Châu Á tham gia dự án Cam kết thành phố tham vọng”

Đáng chú ý, sáng kiến “Ngân hàng rác” góp phần thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về việc thu gom rác. Qua việc mở một tài khoản tại ngân hàng rác, có thể gửi tiền thu được từ việc bán rác vào tài khoản ngân hàng rác này giống như các ngân hàng thương mại khác. Từ đó, tạo ra nguồn lợi tài chính từ việc thu gom rác.

“Hiện nay, chúng tôi đang có hơn 1700 ngân hàng rác như vậy. Việc làm này cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất phân ủ từ rác hữu cơ trong thành phố”, đại diện Jakarta nhấn mạnh.

Với đa dạng các sáng kiến xanh đó, Jakarta cho phép huy động sự tham gia của người dân vào thích ứng BĐKH. Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội, Jakarta và Hà Nội có những điểm tương đồng về đặc điểm giao thông, môi trường, khí hậu... Do vậy, đây sẽ là những bài học kinh nghiệm đối với chúng ta trong việc thực hiện mục tiêu vì khí hậu của Thủ đô Hà Nội.

… đến “chia sẻ con đường chúng ta đi”

Là một trong những thành phố châu Á “cam kết thành phố tham vọng”, TP Pasig (Philippines) hướng tới đẩy lùi BĐKH qua các sáng kiến liên quan đến lắp đặt tấm năng lượng mặt trời ở các gia đình, giảm sử dụng điều hòa không khí trong các gia đình…

Theo đại diện Pasig, chính quyền TP có chương trình để thay thế tất cả hệ thống điều hòa không khí để giảm 50% tất cả những hóa đơn điện. Trên cơ sở sử dụng hệ thống nhiệt năng năng lượng mặt trời giảm lượng tiêu thụ điện mỗi năm. Đồng thời, thiết lập hệ thống tiết kiệm năng lượng bằng những bóng đèn tiết kiệm năng lượng.

Đại diện TP Pasig (Philippines)

Đại diện TP Pasig cho biết, hiện nay vấn đề TP quan tâm nhất là chất lượng không khí. Chính quyền TP Pasig có nỗ lực liên quan đến sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng app về môi trường chất lượng không khí để duy trì chất lượng không khí sạch và tốt cho người dân. Cùng với đó, quản lý làm sạch không khí trong thành phố, giảm lượng phát thải khí nhà kính bằng cách quản lý các phương tiện giao thông đặc biệt là xe máy, xe phân khối lớn; tăng cường lượng giao thông công cộng ở các tuyến đường...

Đặc biệt, ý tưởng “chia sẻ con đường chúng ta đi” khuyến khích các công dân có thể đi xe chung với nhau để có thể giảm lượng giao thông đi lại, thay đổi nhận thức của mọi người về việc ưu tiên phương tiện giao thông ít bánh xe.

Đối với hoạt động nông nghiệp đô thị, TP Pasig khuyến khích sử dụng than tổ ong xanh, xây dựng những vườn đô thị, có bản đồ cảm biến lũ để có thể quan sát các hiện tượng thời tiết và có cảnh báo kịp thời cho người dân liên quan đến hoạt động trữ nước, làm sạch nước.

Cần phối hợp toàn cầu

Rất nhiều sáng kiến xanh đã được nhiều TP Châu Á áp dụng, tuy nhiên, vấn đề BĐKH không phải vẫn đề mà một thành phố riêng lẻ có thể giải quyết được mà cần sự chung tay của các TP lớn trên toàn thể giới. Bà Yoo Jin, đại diện TP Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ, sự kết hợp trên toàn cầu có thể giúp lời hứa khí hậu thành hiện thực. Đó cũng là một trong 5 trụ cột để hiện thực hóa “Lời hứa Seoul”.

Bà Yoo Jin cho hay, để phát huy lời hứa vì khí hậu của Thủ đô Hàn Quốc, chính quyền đã tăng cường sự tham gia của người dân; có những chương trình, hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng (thiết lập và phát triển “ngôi làng độc lập về năng lượng”), khôi phục hệ sinh thái với mục tiêu trồng thêm hơn 30 triệu cây xanh vào năm 2022 để trở thành thành phố xanh; tiến tới TP sử dụng năng lượng hiệu quả…

Đại diện TP Seoul chia sẻ về "Lời hứa Seoul"

Một trụ cột quan trọng nữa là vấn đề “quản trị”. Thúc đẩy lời hứa của Seoul là những hoạt động bền vững của chính quyền TP và công dân. Seoul hiện có một ủy ban công dân và phối hợp với chính quyền địa phương để dẫn dắt các nỗ lực.

Với những thách thức về khí hậu, sự phát triển đang phải đối mặt, Seoul tiến hành phân tích các yếu tố gây ra lượng khí phát thải nhà kính ở thành phố, xem ngành nào gây ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất và tập trung nỗ lực giảm phát thải trong ngành đó.

“Điều quan trọng là phải cập nhập lời hứa seoul để có thể đáp ứng và đưa ra hành động kịp thời, ứng phó tốt nhất trong thời kỳ chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức của BĐKH”, đại diện Seoul nói.

Với tầm nhìn giảm lượng CO2 xuống 0 vào năm 2050, Seoul xây dựng kế hoạch hành động có sự tham gia của các bên khác nhau. Có một đội làm việc ở trong chính phủ để có thể giúp thực hiện kế hoạch hành động. Kế hoạch cũng mang tính chất đa ngành và tích hợp bao gồm sự tham gia của tất cả các ngành khác nhau để có thể ứng phó với BĐKH.

“Chính quyền thành phố cũng cần tạo ra không gian để người dân có cơ hội đưa tiếng nói, yêu cầu của mình. Đồng thời, có cơ chế để cộng đồng tham gia lập kế hoạch, đưa hành động ứng phó BĐKH vào cuộc sống hằng ngày của họ”, đại diện TP Jakarta chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO