Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị): Bãi rác "đầu độc" dân

21/03/2015 00:00

(TN&MT) - Đã nhiều năm nay, người dân Thị trấn (TT) Cửa Tùng và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phải chịu đựng mùi hôi thối từ...

 

(TN&MT) - Đã nhiều năm nay, người dân Thị trấn (TT) Cửa Tùng và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phải chịu đựng mùi hôi thối từ rác thải và quá trình đốt bỏ rác tại bãi rác cũ TT. Cửa Tùng. Điều đáng nói, một bãi rác mới, đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn tất với số tiền hàng tỷ đồng phơi mưa, phơi nắng.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng khu phố Hòa Lý, TT. Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cho biết bãi rác cũ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng khu phố Hòa Lý, TT. Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cho biết bãi rác cũ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bãi rác xây 5 năm chưa xong

Bãi rác TT. Cửa Tùng (nằm trên diện tích của TT. Cửa Tùng và xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 2634/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ngày 30/12/2010, do UBND huyện Vĩnh Linh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, với mục tiêu "Thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt của nhân dân trong khu vực, góp phần làm sạch đẹp cảnh quan môi trường”.

Nhưng cho đến nay, bãi rác được đầu tư tiền tỷ vẫn còn dở dang, chưa xây dựng xong. Theo quan sát, Công ty Xây dựng 15 (trụ sở tại đường Trần Phú, TT. Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) là đơn vị trúng thầu hầu như không còn triển khai xây dựng. Tại hiện trường, một chiếc hố diện tích 77x156m mới đào được phần thô, gần đó là những ống bi được tập kết phục vụ xây dựng nằm phơi sương phơi nắng, cỏ mọc um tùm khắp nơi… Chứng kiến công trình tiền tỷ chưa đâu vào đâu, nhiều người dân lắc đầu ngao ngán.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Minh - Giám đốc BQL dự án huyện Vĩnh Linh cho biết: Dự án bãi rác TT. Cửa tùng được bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2010, cho đến nay chưa hoàn thành vì lý do… thiếu vốn. Còn ông Lê Văn Giải, cán bộ giám sát công trình Bãi rác TT. Cửa Tùng thì lý giải, hiện tại bãi rác mới được một số hạng mục "lẻ tẻ" được triển khai như đào hố, đắp về cơ bản nền đê, tập trung đất sét. Những hạng mục nói trên với tổng số tiền đầu tư hết ngót nghét… 5 tỷ đồng?!

Là dự án nhóm C, chỉ xây dựng và triển khai trong vòng 3 năm. Nhưng đến nay, sau 5 năm, bãi rác TT. Cửa Tùng mãi vẫn chưa xây dựng xong gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận, dân chúng địa phương.

Trong khi đó, một bãi rác cũ nằm ngay cạnh bãi rác mới xây dựng là địa điểm tập kết rác thải sinh hoạt của cả một vùng khu Đông huyện Vĩnh Linh (khoảng 5 xã) với số lượng rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân ở TT. Cửa Tùng, xã Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thạch đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm bãi rác nhưng không có biến chuyển gì.

Rác thải tràn ra cả khu nghĩa trang dân sinh gần đó.
Rác thải tràn ra cả khu nghĩa trang dân sinh gần đó.

Dân kêu trời vì ô nhiễm từ bãi rác

Được biết, trước khi bãi rác mới được phê duyệt đầu tư xây dựng (năm 2010) thì trước đó một bãi rác tập trung đã được hình thành ở một hố bom trên địa bàn xã Vĩnh Quang (nay là TT. Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh). Ông Nguyễn Đình Tế- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang xác nhận, bãi rác này được hình thành rất lâu từ trước, thuộc sự quản lý của Trung tâm môi trường công trình đô thị huyện Vĩnh Linh. Đây chỉ là một hố tập trung rác của nhiều xã vùng Đông Vĩnh Linh, hố này chưa có xây dựng gì về cơ bản. "Vì lượng rác thải lớn, nên nhiều lần người dân đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả dân cư ở xã Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch và TT. Cửa Tùng"- ông Tế nói.

Dẫn phóng viên mục kích hiện trường, ông Nguyễn Văn Vinh-Trưởng khu phố Hòa Lý (TT. Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) cho biết, việc rác thải tập trung lớn, gần ngay khu dân cư và nghĩa trang dân sinh nên rất mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. "Tình trạng này xảy ra đã lâu nhưng không được Trung tâm môi trường công trình đô thị huyện Vĩnh Linh xử lý. Trước đây, một số đơn vị cấp tỉnh có lập đoàn xuống khảo sát, chứng kiến tình trạng ô nhiễm, đoàn đã yêu cầu có biện pháp giảm thiểu lượng rác thải nhưng không thấy động thái gì từ Trung tâm môi trường công trình đô thị huyện Vĩnh Linh"- ông Vinh bức xúc.

Theo chứng kiến, tại bãi rác cũ vẫn đang hoạt động, hằng ngày lượng rác thải tập trung lớn, nhiều điểm bị đốt bỏ. Do đường đi xuống khó khăn nên xe rác đổ ngay trên bờ, rác thải sinh hoạt bay cả vào một nghĩa trang dân sinh gần ngay đó. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, kèm theo đó là ruồi muỗi phát sinh. Đặc biệt hơn, cách địa điểm bãi rác khoảng 200 m là Trường cấp II Cửa Tùng với hàng trăm em nhỏ phải học tập trong môi trường ô nhiễm do rác thải, và khói phát sinh trong quá trình đốt bỏ rác.

Công trình bãi rác mới được đầu tư trên 14 tỷ đồng, đã triển khai xây dựng với số tiền 5 tỷ đồng, nhưng hiện mới chỉ là một bãi đất trống
Công trình bãi rác mới được đầu tư trên 14 tỷ đồng, đã triển khai xây dựng với số tiền 5 tỷ đồng, nhưng hiện mới chỉ là một bãi đất trống

Chị Nguyễn Thị Vinh có 2 con nhỏ ở khu phố Hòa Lý, TT. Cửa Tùng chỉ biết than phiền vì con cái không học tập được do mùi hôi; khói, lửa bốc lên từ bãi rác cũng khiến cây trồng bị héo úa. "Bãi rác gần khu dân cư nên vào mùa hè ruồi rất nhiều, gia đình tôi ăn cơm là phải mắc màn. Bãi rác mới thì xây mãi không xong, bãi rác cũ thì hành dân, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không thấy biến chuyển", chị Vinh bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Á, thôn Cát, xã Vĩnh Tân cũng sống gần địa điểm bãi rác phản ánh, không biết bãi rác mới đầu tư xây dựng kiểu gì mà hết 5 tỷ đồng, bãi rác cũ thì ô nhiễm. Tiền của nhà nước hằng ngày phơi mưa phơi nắng dân chúng tôi rất xót ruột.

Trong khi chính quyền dùng mọi biện pháp để giải bài toán ô nhiễm rác thải ở nông thôn thì thực trạng một số công trình đầu tư nhằm hướng đến môi trường xanh - sạch - đẹp không đi đến nơi đến chốn, gây lãng phí cho ngân sách. Thực trạng này rất cần sự chung tay xử lý của các cấp các ngành ở huyện Vĩnh Linh.

Bài & ảnh: Hải Tân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị): Bãi rác "đầu độc" dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO