Hướng đi mới quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

Tuyết Chinh| 06/02/2020 17:25

(TN&MT) - Vấn nạn về ô nhiễm môi trường chăn nuôi ngày càng gia tăng vẫn đang là chủ đề nóng ở hầu hết các tỉnh trên cả nước. Điều này đòi hỏi phải có hướng đi đúng đắn và giải pháp đồng bộ trong xử lý môi trường chăn nuôi để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất và không ảnh hưởng môi trường sống.

Lượng lớn chất thải chăn nuôi không được tận dụng

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn và gia cầm. Hàng năm, nước ta có khoảng 64 triệu tấn chất thải rắn và khoảng trên 63 triệu tấn chất thải lỏng từ chăn nuôi. Nhưng một lượng lớn chất thải chăn nuôi không được tận dụng để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Lượng lớn nước thải chăn nuôi xả ra môi trường. Ảnh minh họa

Ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Ở nhiều địa phương, nguồn nước quanh các khu vực dân cư có các trang trại chăn nuôi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Theo Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp, nhiều trang trại, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lợn thịt đang áp dụng quy trình chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước để làm mát và làm vệ sinh dẫn đến chất thải lỏng không thể thu gom nên chỉ còn cách xả trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các hầm khí sinh học) xuống nguồn nước.

Kết quả khảo sát của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) cho thấy, người dâng sử dụng từ 30 – 50 lít nước/ngày để làm vệ sinh và làm mát cho lợn. Nếu tính trung bình mỗi con lợn thịt sẽ tốn khoảng 30 lít/ngày. Trong khi đó, chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn ở Việt Nam có tỷ lệ chất khô rất thấp (dưới 0,8%), hầu như không thể thu gom làm phân chuồng nên chỉ còn cách xả xuống nguồn nước thông qua hệ thống thoát nước hoặc cho xuống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay là nước trong chăn nuôi. Ảnh minh họa

BQL các Dự án nông nghiệp đánh giá, mặc dù biện pháp khí sinh học đang được áp dụng phổ biến ở nước ta để xử lý chất thải lỏng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, do vận hành hệ thống hầm biogas khá tốn kém và hiệu quả kinh tế thấp nên hầu hết các chủ trang trai chỉ làm hầm biogas mang tính chất đối phó.

Trong khi đó, ô nhiễm chất thải rắn, chất thải khí trong chăn nuôi tuy không nghiêm trọng nhưng lại là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề xã hội. Các trang trại chăn nuôi thường có mùi hôi thối dẫn đến cư dân xung quanh khó chịu và thường xuyên phản ánh đến các cấp chính quyền, nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Biến chất thải chăn nuôi thành tài nguyên tạo thu nhập

Trước thực tế đó, nhiều chính sách và công nghệ xử lý ô nhiễm chất thải chăn nuôi đã và đang được áp dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”. Mặc dù vậy, vấn nạn về ô nhiễm môi trường chăn nuôi ngày càng gia tăng vẫn đang là chủ đề nóng của hầu hết các tỉnh trên toàn quốc.  

Các chính sách và công nghệ xử lý ô nhiễm chất thải chăn nuôi đã và đang được áp dụng song một số quy định, chính sách và công nghệ khuyến cáo người dân áp dụng vẫn chưa xuất phát từ thực tế sản xuất và nhu cầu của người dân nên việc áp dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này đòi hỏi phải có hướng đi đúng đắn và giải pháp đồng bộ trong xử lý môi trường chăn nuôi nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, giúp cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất và môi trường sống của người dân không bị ảnh hưởng.

Cần hướng đi đúng đắn và giải pháp đồng bộ trong xử lý môi trường chăn nuôi

Xuất phát từ những nghiên cứu thực tế trong xử lý môi trường chăn nuôi của người dân, dự án LCASP đã đề xuất thay đổi quan điểm coi thất thải chăn nuôi là “nguồn chất thải phải xử lý thật sạch để khi xả ra môi trường khỏi gây ô nhiễm” sang quan điểm coi chất thải chăn nuôi là “nguồn tài nguyên cần được sử dụng để tạo thu nhập bổ sung cho người dân”.

Hướng đi mới xử lý ô nhiễm

Với quan điểm đó, dự án LCASP đề xuất chuyển hướng công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi từ dựa chủ yếu vào công nghệ khí sinh học như hiện nay sang sử dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn làm phân bón hữu cơ, chất thải lỏng làm nguồn nước dinh dưỡng tưới cho cây trồng.

Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp cho rằng, chính sách, công nghệ và tổ chức sản xuất cũng cần thiết được điều chỉnh. Trong đó, Bộ NN&PTNT cần ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sử dụng nước thải chăn nuôi dùng trong trồng trọt; có chính sách khuyến khích người dân đầu tư các công nghệ sử dụng nước thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt.

Cùng với đó, Bộ TN&MT bổ sung các quy định về tiêu chuẩn mang tính định lượng về ô nhiễm chất thải khí cho các trang trại chăn nuôi nhằm giảm tình trạng phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm mùi cho các khu dân cư quanh trang trại.

Theo BQL các Dự án nông nghiệp, các đơn vị quản lý tài nguyên và môi trường cấp Trung ướng và địa phương cần có các quy định về cắt giảm lượng nước sử dụng trong chăn nuôi và các chính sách khuyến khích chăn nuôi tiết kiệm nước để giảm khối lượng nước thải chăn nuôi xả ra môi trường.

Bộ NN&PTNT cũng cần có chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ truyền thống, phân bón hữu cơ thương phẩm từ chất thải chăn nuôi. Bởi lẽ, hiện các doanh nghiệp đang rất cần các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và hỗ trợ tài chính nhằm hình thành được các chuỗi giá trị về thu gom, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi.

Về mặt công nghệ, BQL các Dự án nông nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu, hướng dẫn người dân các công nghệ về xử lý nước thải chăn nuôi làm nguồn nước dinh dưỡng tưới cho cây trồng xung quanh trang trại. Đồng thời, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ thu gom và sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi ở quy mô lớn cho các doanh nghiệp áp dụng; công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện của người dân ở từng địa phương…

“Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ điện khí sinh học. Việc hỗ trợ điện khí sinh học không những giúp bổ sung thêm nguồn năng lượng điện tái tạo cho quốc gia mà còn giúp giảm hiện trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi đang rất nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn”, BQL các Dự án nông nghệp nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO