Hội thảo quốc tế "Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ 11-15)"

28/10/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 28/10, tại TP. Qui Nhơn, Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thuộc UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ 11-15)”.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế

Đây là Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về Gốm cổ Champa Bình Định được tổ chức ở Việt Nam và được tổ chức ngay chính quê hương có những lò gốm cổ cùng hệ thống di sản văn hóa Champa nổi tiếng tại Bình Định. Hội thảo là dịp tổng kết, đánh giá những thành tựu nghiên cứu về gốm cổ Champa ở Bình Định và những vấn đề liên quan đến lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa của Vương quốc Vijaya với Kinh đô Thăng Long và các nước Đông Nam Á và Châu Á trong lịch sử.

Nội dung của Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản: Nghiên cứu một cách hệ thống lịch sử hình thành, phát triển của các trung tâm sản xuất gốm cổ ở Bình Định và tập trung phân tích, luận giải sâu hơn, thuyết phục hơn, có cơ sở khoa học tin cậy hơn về vấn đề chủ nhân, niên đại của các di chỉ sản xuất gốm cổ ở Bình Định; Nghiên cứu so sánh làm rõ đặc trưng, niên đại loại hình sản phẩm gốm cổ Bình Định và vai trò, giá trị của gốm Bình Định trong đời sống văn hóa, xã hội Champa và Đại Việt trong lịch sử; Nghiên cứu làm rõ vai trò và vị thế của gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển Châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á; Tiếp tục làm sáng rõ hơn mối quan hệ của Vương quốc Vijaya với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt và với các vương quốc ở Đông Nam Á, Châu Á trong lịch sử.

PGS.TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành trình bày về gốm cổ Bình Định tại Hội thảo
PGS.TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành trình bày về gốm cổ Bình Định tại Hội thảo

Để góp phần nghiên cứu làm rõ về lịch sử đồ gốm Bình Định và vai trò của nó trong lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Champa với Đại Việt, giữa Champa với các nước quốc đảo trong khu vực Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về gốm Bình Định tại Bình Định. Đây là Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về gốm cổ Bình Định ở Việt Nam kể từ sau 43 năm phát hiện. Do đó, nó có ý nghĩa khoa học và tầm quan trọng rất đặc biệt. Bởi Hội thảo có rất nhiều ý nghĩa trong việc nghiên cứu, đánh giá giá trị về di sản văn hóa Champa ở Bình Định, góp phần làm sâu sắc hơn giá trị di sản văn hóa Champa cũng như góp phần vào việc tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Champa ở Bình Định; phục vụ hiệu quả, thiết thực cho chiến lược qui hoạch, bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch của tỉnh Bình Định.

Hội thảo khoa học đã nhận được 40 bài tham luận, trong đó có 24 bài tham luận của các học giả Việt Nam đến từ Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trường Đại học Khoa học và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Nhân văn - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định, Bảo tàng tỉnh Bình Định, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội và một số học giả nghiên cứu tự do; 16 bài tham luận của các học giả quốc tế đến từ các nước: Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Philippines và Brunei.

Gốm cổ Bình Định
Gốm cổ Bình Định

Thông qua Hội thảo các nhà khoa học sẽ có thêm nhiều tư liệu mới về gốm cổ Bình Định và có nhiều cơ sở để hiểu biết sâu rộng hơn về gốm cổ Bình Định, đặc biệt là về đặc trưng, niên đại, chủ nhân; về vai trò, chức năng và tính xã hội của đồ gốm Bình Định không chỉ đối với xã hội Champa hay Đại Việt mà còn đối với cộng đồng cư dân ở Đông Nam Á và Châu Á. Hơn thế nữa Hội thảo sẽ mở ra những chương trình trao đổi, hợp tác về nghiên cứu gốm cổ Bình Định cũng như các vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa và sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Champa, Đại Việt - Việt Nam với các nước khu vực trong tương lai.

Mỹ Bình 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo quốc tế "Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ 11-15)"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO