Hồi sinh di sản Cố đô

04/02/2019 16:55

(TN&MT) - 25 năm trôi qua, kể từ khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (11/12/1993), đó cũng là khoảng thời gian Di sản Huế đạt được những thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo tồn di sản. Có thể nói, quá trình phục hưng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế thực sự là chặng đường khó khăn, gian khổ với quá nhiều thử thách.

disanhue 1


Một thời nham nhở

Sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng và chỉ còn 400 công trình trong tình trạng đổ nát, hư hỏng (so với 1.400 công trình lúc còn nguyên vẹn). Thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ, cầu cống, đình tạ... hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau hoặc bị dột nát, nứt vỡ bờ nóc, bờ quyết. Các cấu kiện chịu lực mục ruỗng, nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp 42 ha tường thành bị cây cỏ xâm thực, 100.000m3 ao hồ cần được nạo vét, 33 cầu cống và 20 km đường đi trong các di tích bị hư hại nặng cần phải tu sửa cấp thiết.

Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt. Các hình thức diễn xướng cung đình như: Nhã nhạc, Tuồng cung đình, Múa cung đình... tản mát và biến tướng trong dân gian. Hệ thống ngành nghề thủ công truyền thống phong phú vốn phục vụ chính cho chốn cung đình bị thất truyền, mai một. Hệ thống sách vở, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc di chuyển phần lớn đi nơi khác.

Độc đáo lễ hạ nêu ngày Tết ở Huế
Độc đáo lễ hạ nêu ngày Tết ở Huế

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, sau khi thất thủ, kinh đô bị thực dân Pháp đô hộ, thực chất triều Nguyễn đã mất quyền quản lý Nhà nước toàn diện. Thời điểm này, nhiều kiến trúc kinh thành Huế xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nhà vua không có điều kiện để tu bổ vì việc thu thuế do Pháp quản lý, triều Nguyễn chỉ nắm một phần nhỏ trong đó...

“Khi không đủ khả năng giữ gìn, các vua nhà Nguyễn đã triệt giải một số công trình xuống cấp nghiêm trọng. Sự tàn phá của chiến tranh cũng là nguyên nhân khiến các công trình bị phá hủy. Nhất là năm Mậu Thân 1968, Đại nội bị bom đạn tàn phá rất nặng nề. Bên cạnh Đại nội, lăng tẩm các vị vua như lăng Gia Long cũng bị tàn phá...” - ông Hoa cho biết.

Sau thống nhất đất nước, lịch sử dân tộc đã sang trang nhưng số phận của di tích Huế không khả quan ngay. Với cái nhìn định kiến của một số người bấy giờ, Quần thể Di tích Cố đô Huế được cho là tàn dư của chế độ cũ nên tiếp tục bị lãng quên. Các công trình kiến trúc được đưa vào sử dụng với những mục đích tùy tiện.

“Vào thời điểm đó, để tận dụng tất cả đất cho sản xuất, quảng trường Ngọ Môn được người dân phát động trồng sắn, trồng khoai. Nhiều công trình kiến trúc triều Nguyễn được tận dụng làm các cơ sở, cơ quan hoạt động như xí nghiệp in nằm ngay trong Đại nội, Trường Văn hóa Nghệ thuật nằm ở Văn Thánh, Câu lạc bộ Lao Động nằm ở cung An Định. Thời điểm tôi còn làm việc tại UBND thành phố, có đi khảo sát, trong Đại nội khi đó có trên 30... chuồng heo, do người dân khu tập thể ở đó chăn nuôi để phục vụ cho đời sống” - ông Hoa nói.

Trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau chiến tranh, việc bảo tồn di sản văn hóa Huế gặp muôn vàn khó khăn. Năm 1981, trong Lời kêu gọi cứu vãn Di sản Văn hóa Huế tại Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ - ngài M’Bow đã cho rằng: “Di sản Huế đang lâm nguy, đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng… Chỉ có “một sự cứu nguy khẩn cấp” với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế mới có thể giúp Huế thoát ra khỏi tình trạng trên”.

Sự hồi sinh “thần kỳ”

Ngay sau lời kêu gọi cứu vãn di sản, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ. Sự nhìn nhận về triều Nguyễn và các di sản của triều đại này cũng từng bước thay đổi theo hướng tích cực.

Tháng 6/1982, Công ty Quản lý Di tích và Danh thắng Huế được thành lập (sau này đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích Cố đô và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan.

Bằng sự vào cuộc hết sức tích cực, khẩn trương của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, năm 1992, bộ hồ sơ về di sản vật thể của Huế đã được xây dựng và đệ trình UNESCO. Ngày 11/12/1993 - ngày đặc biệt, đánh dấu trang mới khi Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Cố đô Huế được công nhận là Di sản Thế giới ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (đến năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể Đại diện của nhân loại). Đây cũng là loại hình di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản Thế giới.

Từ khi Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều nỗ lực để góp phần khẳng định giá trị và lan tỏa làm cho loại hình âm nhạc đặc biệt này. Nhiều nội dung công việc đã được chú trọng như: sưu tầm, lưu trữ tài liệu; nghiên cứu và phục hồi hệ thống bài bản, nhạc cụ, y phục; tập huấn, đào tạo và truyền dạy qua các phương thức; tổ chức trình tấu tại không gian diễn xướng nguyên thủy; biểu diễn giới thiệu ở trong và ngoài nước; truyền thông, phổ biến cộng đồng...

Đến năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới; Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu trong các năm 2014 và 2016. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Như vậy, Cố đô Huế đã có 5 di sản thế giới ở tất cả 3 loại hình: Di sản Văn hóa vật thể, Di sản Phi vật thể, Di sản Tư liệu và 3 trong số đó đều là các di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở 3 loại hình.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong 43 năm qua, đặc biệt là 25 năm kể từ ngày Di tích Huế được công nhận là di sản văn hóa vật thể, Trung tâm đã nghiên cứu, nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ gìn và bảo tồn những giá trị kiến trúc, văn hóa của triều đình nhà Nguyễn... Hiện, đã có hơn 170 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, trong đó, tiêu biểu là Ngọ môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường Lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An, cung An Định... Và với mức đầu tư 123 tỷ đồng, điện Kiến Trung - một trong năm công trình chính trên trục dũng đạo của Kinh thành Huế cũng vừa được khởi công phục hồi.

Đến nay, Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) nhận định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế là “cánh chim đầu đàn” trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cả nước. Huế sẽ trở thành một trung tâm bảo tồn di sản văn hóa với kỹ thuật tiên tiến, có sự hợp tác của nhiều chuyên gia quốc tế (đến từ Ba Lan, Nhật Bản, Đức…) mà lâu nay đã thực hiện, để từ đó, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn cho nhiều điểm di sản khác trong nước.

Trong năm 2018, riêng tại khu Di tích Huế đã thu về hơn 380 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh di sản Cố đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO