Huế: Nhiều hoạt động về giáo dục di sản cho học sinh
(TN&MT) - Việc giáo dục di sản giúp các em học sinh không chỉ hiểu thêm về những di sản của Cố đô Huế được thế giới công nhận mà còn thêm yêu hơn vùng đất quê hương.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa khởi động chương trình Giáo dục di sản năm 2024 với chương trình “Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế”.
Chương trình được thực hiện với sự hợp tác của các Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức GEKE (Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức), trong khuôn khổ chương trình “Giáo dục Di sản” của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và dự án “Bảo tồn, Trùng tu và Phục chế ảo, tích hợp đào tạo kỹ thuật tại Điện Phụng Tiên”.
Theo đó, học sinh khi đăng ký tham gia chương trình này sẽ được tìm hiểu về các họa tiết trang trí truyền thống trong kinh thành và thực hành tô màu với kỹ thuật vẽ màu nước. Ngoài ra, các em còn được giảng giải về kỹ thuật vẽ truyền thống, kỹ thuật tô màu, tìm hiểu những họa tiết truyền thống tại bình phong và cổng chính của điện.
Các em sẽ được lựa chọn những tranh họa tiết được in trên giấy vẽ A3 rồi trải nghiệm tô màu bằng màu nước và cọ vẽ chuyên nghiệp tại văn phòng dự án trong khu vực Điện Phụng Tiên.
Chương trình diễn ra vào các ngày cuối tuần, hoàn toàn miễn phí (vé vào cổng, nguyên vật liệu và giải khát giữa giờ). Thông qua chương trình nhằm nâng cao nhận thức của thiếu nhi về di sản văn hóa Huế, giúp trẻ luyện tập các kỹ năng tập trung, phát huy khả năng nghệ thuật, sáng tạo thông qua hoạt động khám phá có tính tương tác và vui thú về nghệ thuật triều Nguyễn. Dự kiến, các hoạt động của chương trình sẽ kéo dài đến hết năm 2024.
Cách đây ít ngày, Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức tham quan, trải nghiệm tại Đại nội cho các em học sinh đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” năm học 2023-2024.
Cụ thể, hơn 60 em học sinh đã tham quan các công trình kiến trúc trong khu vực Đại nội, tham gia các trò chơi cung đình, thưởng thức Nhã Nhạc và múa hát cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường… Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác “Giáo dục di sản văn hóa Huế” trong trường học trên địa bàn tỉnh giữa Sở GD&ĐT và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mà hai bên đã ký kết, triển khai thực hiện trong 5 năm qua.
Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn TP. Huế đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa môn học trải nghiệm, giáo dục di sản đến với các em học sinh. Được đắm chìm trong những di tích cổ kính, hiểu thêm những công trình kiến trúc và những giá trị văn hóa lịch sử theo kiểu “mắt thấy tai nghe” đã giúp các em không chỉ hiểu thêm về di sản được thế giới công nhận mà còn thêm yêu hơn vùng đất quê hương.