Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị chưa kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi
(TN&MT) - Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tham gia góp ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Về vấn đề bổ sung lĩnh vực và cơ sở chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, Hội cho rằng thời điểm hiện nay chưa thực sự phù hợp.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, căn cứ quy định tại Điều 6 về danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính (sau đây gọi là cơ sở phải kiểm kê KNK), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục bao gồm các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính thuộc các ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại, công ty kinh doanh vận tải hàng hoá tiêu thụ hằng năm 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm trên 65.000 tấn.
Trong quá trình rà soát và cập nhật danh mục nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất bổ sung cơ sở chăn nuôi (lợn, bò) quy mô lớn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá hiện trạng trong nước và trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương thống nhất đề xuất bổ sung ngành chăn nuôi vào danh mục cơ sở phải kiểm kê KNK. Dự thảo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm điểm đ khoản 1 Điều 6: “Các cơ sở chăn nuôi có quy mô hằng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên”.
Dự thảo danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành trong năm 2024, trong đó cũng đã đề xuất danh sách 341 cơ sở chăn nuôi đáp ứng điều kiện trên.
Trong văn bản góp ý, Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, mặc dù trước đây vì muốn chia sẻ với mục tiêu Quốc gia trong việc kiểm soát khí phát thải mà Hội Chăn nuôi Việt Nam cho là có thể đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính. Nhưng qua khảo sát thực tế, tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp, người chăn nuôi và nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm các nước xung quanh, Hội thấy rằng chưa thực sự phù hợp nếu Việt Nam đưa lĩnh vực và cơ sở chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính trong thời điểm hiện nay.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, sản xuất chăn nuôi trong nước là lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn so với các ngành kinh tế khác và so với chính lĩnh vực chăn nuôi của các nước phát triển. Hầu hết các nước trong các FTA mà Việt Nam ký kết, như: CPTPP, EVFTA, Việt Mỹ…thì đều là những nước có điều kiện và không gian phát triển chăn nuôi thuận lợi hơn rất nhiều so với chăn nuôi nước ta.
Quy định này sẽ làm phát sinh chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước, vốn hiện nay đã đang rất cao so với các nước phát triển. Chỉ tính riêng kinh phí chi cho hoạt động kiểm kê, thì hằng năm mỗi cơ sở chăn nuôi đã mất từ 100-150 triệu đồng; chưa kể các cơ sở thuộc diện này phải thực thi hạn ngạch buộc phải cắt giảm khí nhà kính hàng năm. Nếu không đạt sẽ bị xử lý vi phạm, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi và phát sinh các tiêu cực không đáng có.
Thực tế, số lượng cơ sở chăn nuôi rất nhiều, trừ các trang trại chăn nuôi bò sữa, trại giống lợn của các công ty, tập đoàn trực tiếp quản lý có đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật tốt có thể thực hiện được kỹ thuật kiểm kê và áp dụng nghiêm túc các quy trình giảm phát thải nhà kính, còn phần lớn các trại chăn nuôi trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu này. Bên cạnh đó, hiện nay, số lượng các tổ chức dịch vụ và chuyên gia trong nước có đủ trình độ và kinh nghiệm hướng dẫn việc kiểm kê và các biện pháp kiểm soát khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi rất ít, cần có thời gian để đào tạo.
Vì những lẽ đó, việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính lúc này là chưa phù hợp, thiếu khả thi, chưa có sự chia sẻ của Nhà nước với lĩnh vực đang gặp quá nhiều rủi ro trong hội nhập.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới đối với nông dân, chưa kể đến vấn đề giảm phát thải khí nhà kính về sau. Hiện đã có hai tập đoàn lớn trong ngành sữa chủ động thực hiện các công tác này, nhưng rất nhiều người chăn nuôi khác thì không thể theo kịp.
Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, ít nhất cũng là từ nay tới năm 2027. Điều này giúp các cơ quan quản lý, các đơn vị dịch vụ và người chăn nuôi có thêm thời gian, điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, cải tạo chuồng trại và chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề rất còn mới mẻ và phức tạp này.