Yếu kém trong quy hoạch, tùy tiện trong chấp hành pháp luật đất đai, áp lực phát triển nóng… đã biến hàng nghìn ha đất nông nghiệp cùng hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho nhiều khu công nghiệp trở nên hoang hóa. Nhiều “nhóm lợi ích” đã xuất hiện từ đất, người ta ví von là những “bạch tuộc” đất. Quỹ đất thuộc hàng “đất vàng, đất bạc, đất kim cương” luôn trở thành đích ngắm của các nhà đầu tư.
Đất nước phát triển, chuyển mục đích sử dụng đất là nhu cầu rất lớn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự chuyển đổi ấy lâu nay, vẫn chưa đúng, chưa trúng và không mang lại hiệu quả. Nhiều nơi thu hồi xong bỏ hoang 5 - 7 năm chưa khai thác, chưa sử dụng, dẫn đến bần cùng hóa một số lớn nông dân mà không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.
Ảnh minh họa |
Không khó để nhận thấy vẫn còn đó không ít vụ việc lãng phí đất tại đô thị và nông thôn. Nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả nhưng lại được giao rất nhiều đất, có những khu “đất vàng” trị giá lến đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, doanh nghiệp được giao đất nhiều đến mức sử dụng không hết, bỏ hoang hoặc cho tư nhân thuê lại với giá bèo bọt, trong khi người dân không có đất sản xuất. Chưa kể, rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, gây thất thoát lớn tài sản quốc gia.
TP. Hà Nội là “điển hình” về số lượng dự án treo và bỏ hoang. Mới đây, trong báo cáo tổng hợp của UBND TP. Hà Nội gửi các cử tri về tình trạng các dự án bất động sản bị bỏ hoang cho thấy, có 383 dự án đang chậm tiến độ. Và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh thông tin trên. Bởi lẽ, điều này khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất.
Mặc dù, không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại trong việc dự án bỏ hoang lại là điệp khúc chưa có hồi kết... Các dự án treo nhan nhản khắp từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô - nơi đất đai được ví như “vàng”.
Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ cũng muôn hình, vạn trạng: Chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Tròn khi đó, theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt, sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.
Thực tế, đã có một số dự án xây dựng tại những vị trí đắc địa chậm tiến độ nhiều năm đã bị các cơ quan chức năng thành phố “sờ gáy”. Tuy vậy, vẫn còn đó những dự án ôm đất vàng dở dang và “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm trời chưa hẹn ngày khởi động lại.