Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, phải đổi mới và đột phá trong công tác hoàn thiện hành lang pháp lý, lồng ghép, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Ảnh: MH |
Từ thời điểm NQ36 được ban hành đến nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan nhằm xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động, nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc xây dựng các văn bản, chính sách pháp luật có liên quan để đảm bảo những mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường biển đặt ra, bước đầu đã đem lại những kết quả có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai NQ36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cụ thể, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ trì tham mưu, xây dựng một số văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành.
Theo đó, nhằm cụ thể hoá, triển khai thực hiện NQ36, ngày 5/3/2020, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP (NQ 26) Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện NQ36. Đây là một trong những kết quả bước đầu quan trọng, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua nội dung Kế hoạch, thể hiện sự quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung của NQ36. Đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam. Kế hoạch thực hiện đảm bảo tạo được sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo; bảo đảm tính khả thi trong huy động và sử dụng nguồn lực, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước; bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Bên cạnh đó, Tổng cục đang được Bộ TN&MT giao chủ trì xây dựng, thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng văn bản, chính sách, pháp luật quan trọng khác như: Rà soát, đánh giá, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo. Sơ kết việc thi hành và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở xây dựng các dự án luật có liên quan về quản lý vùng bờ, khai thác, sử dụng các vùng biển và quản lý các hải đảo; Xây dựng các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý hoạt động lấn biển, quản lý hải đảo, quản lý đất ngập nước ven biển; xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số tổng hợp quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố ven biển theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 26/NQ-CP; trọng tâm là lập Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch) và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch).
Xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, thông suốt cơ chế phối hợp, liên thông trong cấp phép nhận chìm ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Cùng với sự chung tay, thống nhất về tư tưởng của tất cả các cấp, ngành và tầng lớp nhân dân sẽ hiện thực hoá NQ36, NQ26, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo sự thành công trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.