Kinh tế

Bến Tre: Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững

Bạch Thanh (thực hiện) 01/10/2024 - 19:33

(TN&MT) - Từ ngày 02 - 03/10 tới đây, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển hướng Đông; góp phần thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Phóng viên Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, bà Hồ Thị Hoàng Yến.

ba-yen.jpg
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

PV: Thời gian qua, Bến Tre đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh. Bà hãy nói rõ hơn về tính hiệu quả của vấn đề này?

Hồ Thị Hoàng Yến:

Ngay từ sau Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành 18 văn bản thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo các điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Kết quả từ những nỗ lực trên, đến nay, toàn tỉnh có 6.384 doanh nghiệp, tăng gần 30% so với năm 2020, với vốn đăng ký hơn 77 ngàn tỷ đồng; có 262 dự án, tổng vốn đăng ký 59.590 tỷ đồng, 68 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 1.659 triệu USD. Đặc biệt trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã thu hút đầu tư được ngành công nghiệp mới, đó là ngành năng lượng tái tạo.

Trong phát triển công nghiệp, từ sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng về sản xuất công nghiệp và xây dựng của tỉnh đứng tốp đầu của cả nước. Thậm chí có năm tăng hơn 10%, gấp đôi của cả nước. Kết quả này cho thấy, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước, trong các khu công nghiếp (KCN), cụm công nghiệp đã phục hồi và phát triển. Hiện, 2 KCN An Hiệp và Giao Long đã lấp đầy 100%.

Bên cạnh đó, số lượng các nhà đầu tư đăng ký để đầu tư vào KCN Phú Thuận rất lớn. Hiện tại, tỉnh Bến Tre đang nỗ lực tối đa hoàn thiện hạ tầng của KCN này để sớm đón các nhà đầu tư vào thời điểm cuối năm nay. Ngoài ra, qua số lượng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, số vốn, nhất là hiệu quả về giá trị sản xuất công nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu liên tục tăng qua các năm, từ 01 tỷ USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2020, đến năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD, phấn đấu năm 2024 đạt chỉ tiêu đề ra khoảng 1,7 tỷ USD.

Tất cả những kết quả này đã ghi nhận sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh trong việc kiên định mục tiêu đồng hành với doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thể hiện rõ sự nhất quán của chính quyền tỉnh Bến Tre là luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.

PV: Được biết, chủ đề của Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là “Bến Tre - Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững”. Xin bà cho biết tầm quan trọng hướng Đông để địa phương làm động lực phát triển trong tương lai?

Hồ Thị Hoàng Yến:

Bến Tre có dân số đông khoảng 1,3 triệu người, mật độ dân số rất cao 545 người/km2. Hiện nay, kinh tế biển cũng là ngành kinh tế rất quan trọng. Tỉnh có 65km đường bờ biển vốn từ lâu chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh này. Do đó, Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đề ra định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông. Đồng thời, Tỉnh ủy Bến Tre cũng đã có Nghị quyết phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Còn trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì địa phương đã mạnh dạn đưa vào nội dung phát triển tỉnh về hướng Đông.

h2(1).jpg
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre giới thiệu với Đoàn công tác của Bộ TN&MT về dự án lấn biển tại Ba Tri, Bến Tre

Tầm quan trọng của việc phát triển tỉnh về hướng Đông là phát huy khai thác tiềm năng thế mạnh của 65km bờ biển trọng tâm là lấn biển với diện tích dự kiến khoảng 50.000 ha để tạo không gian phát triển mới, tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư phát triển đô thị biển, các khu kinh tế biển. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tỉnh rất nghiêm trọng. Do đó, việc lấn biển cũng nhằm để giữ đất, chống chọi với biến đổi khí hậu. Đây là tầm nhìn mang tính chiến lược, lâu dài của tỉnh. Đặc biệt, Quốc hội và Chính phủ đã cho phép xây dựng đường ven biển kết nối từ TP.HCM đến Cà Mau và đi qua Kiên Giang, đây là một lợi thế mở ra hành lang kinh tế không chỉ có riêng Bến Tre mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy hoạch, tỉnh có cảng biển loại II, qua đó sẽ phát triển các dịch vụ logistics, du lịch, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Song song đó, địa phương có truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nên định hướng của tỉnh là phát triển 4.000 ha tôm công nghệ cao, đây cũng là thế mạnh của Bến Tre.

Tương lai Bến Tre có giàu, có khá lên hay không là do hướng ra biển, phát triển về hướng Đông. Tầm nhìn hướng Đông và phát triển lấn biển thể hiện được khát vọng vươn xa của Bến Tre. Đặc biệt, tỉnh hiện có nhiều đường giao thông kết nối rất thuận lợi, có đủ điều kiện để các nhà đầu tư đến đầu tư, kể cả trong và ngoài nước. Tỉnh cũng mong muốn thông qua các nhà đầu tư này để Bến Tre có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa, không chỉ trong nước mà còn hướng ra quốc tế.

PV: Như vậy, tỉnh Bến Tre sẽ kỳ vọng thu hút nguồn vốn đầu vào lĩnh vực nào nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai, thưa bà?

Hồ Thị Hoàng Yến:

Theo dự kiến, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre lần này sẽ giới thiệu khoảng 32 dự án trên nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, địa phương có 65km bờ biển và đã mời gọi thành công một số dự án về năng lượng tái tạo, trong đó, ngành công nghiệp năng lượng là một trong những ngành ưu tiên của tỉnh giúp giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

h3(1).jpg
Bến Tre sẽ tập trung phát triển tỉnh về hướng Đông

Lĩnh vực thứ hai mà địa phương kêu gọi là lĩnh vực về chế biến, chế tạo, mà ở đây là phục vụ cho kinh tế nông nghiệp. Vấn đề này, hiện Bến Tre có rất nhiều vùng nguyên liệu như nuôi tôm công nghệ cao, có diện tích nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy hải sản cũng rất lớn. Bên cạnh đó, về kinh tế vườn, những loại trái cây có giá trị xuất khẩu cũng thuộc lĩnh vực mời gọi chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu của tỉnh.

Lĩnh vực thứ ba là về phát triển đô thị. Qua nghiên cứu, tỷ lệ đô thị hóa của Bến Tre còn khá thấp so với vùng và cả nước. Tỉnh đang quyết tâm, quyết liệt đẩy mạnh phát triển đô thị, thông qua các dự án đô thị mới địa phương sẽ mời gọi, thu hút các nhà đầu tư. Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều Luật, Nghị định mới, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư xem xét đầu tư và cũng là cơ hội để tỉnh thu hút, khơi thông nguồn lực từ quỹ đất đai, nhất là đầu tư phát triển các dự án đô thị.

Ngoài ra, để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, hiện các ngành, địa phương đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của các huyện, thành phố và quy hoạch xây dựng để tạo thế đột phá mới trong việc huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khuyến khích và thu hút tốt các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO