Kinh tế

Thanh Hóa: Giảm nghèo từ kinh tế biển

Thu Thủy 30/09/2024 - 22:04

Là một xã bãi ngang, ven biển có mật độ dân số cao nhất cả nước, công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là thách thức lớn đối với xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Song với nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, tổ hợp chế biến hải sản phát triển, chú trọng kinh tế biển, đến nay tình hình kinh tế xã Ngư Lộc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chú trọng phát triển kinh tế biển

nl1.jpg
Xã Ngư Lộc có mật độ dân số cao nhất cả nước

Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) là xã vùng bãi ngang, ven biển nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Xã có tổng diện tích tự nhiên chỉ vỏn vẹn 93,59ha, với dân số hơn 19.000 người. Mật độ dân số ước tính khoảng 40.000 người/km2, cao nhất cả nước, gấp 17 lần Hà Nội, 9 lần so với TP. Hồ Chí Minh.

Nơi đây có đường bờ biển dài 1,2km, hoàn toàn không có đất nông nghiệp, người dân chủ yếu sinh sống từ nguồn lợi tự nhiên từ biển, kinh tế dựa vào hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản. Dưới áp lực về dân số, gánh nặng về vấn đề môi trường, an sinh xã hội, công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã Ngư Lộc gặp không ít khó khăn.

Thực hiện các Nghị quyết của tỉnh Thanh Hóa và Đảng bộ huyện, xã Ngư Lộc đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, tổ hợp chế biến hải sản phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các hộ dân từ nghề biển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đến nay, xã đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP 3 sao đó là tôm nõn sấy khô và cá thu nướng, trong đó phát triển mạnh nhất là sản phẩm cá thu nướng.

Phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua xã Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản. Triển khai và tập trung tuyên truyền cho chủ tàu, cũng như người lao động chủ động tham gia công tác phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khai thác trong mùa mưa bão và diễn biến bất thường của thời tiết để chủ động phòng tránh.

Ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác trên biển và thực hiện đăng ký, đăng kiểm đúng hạn, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, lắp đặt thiết bị máy giám sát hành trình, thực hiện tốt Luật Thủy sản. Xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, trưởng thôn, cán bộ quản lý nghề cá về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong khai thác thủy sản. Thăm hỏi, hỗ trợ động viên kịp thời các gia đình có người thân gặp nạn, rủi ro do thiên tai...

nl2.jpg
Người dân xã Ngư Lộc sinh sống chủ yếu dựa vào biển

Toàn xã hiện có 212 phương tiện khai thác (tàu có chiều dài từ 15m trở lên có 119 phương tiện, từ 12 - 15m có 93 phương tiện và có 6 phương tiện đăng ký khai thác vùng biển xa), với sản lượng khai thác hàng năm đạt 12 nghìn tấn. Nguồn nguyên liệu dồi dào là điều kiện để nghề chế biến, kinh doanh hải sản phát triển với 70 hộ tham gia. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá và nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao) có gần 20 hộ tham gia. Trong đó, nuôi ngao trên địa bàn xã Đa Lộc, Đảo Nẹ... có 9 hộ, với thu nhập bình quân của các hộ là 500 triệu đồng, cá biệt có hộ đạt từ 2 - 3 tỷ đồng/năm.

Nỗ lực giảm nghèo

Là địa phương đất chật, người đông, không có đất sản xuất, người dân chủ yếu dựa vào khai thác, chế biến thủy, hải sản, Ngư Lộc đang được Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Năm 2022-2023, xã được hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông rải nhựa asphalt, cải tạo nâng cấp rãnh thoát nước; xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và tránh trú bão 2 tầng; xây dựng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2 hạng mục nhà lớp học 2 tầng 8 phòng, khu vệ sinh và tường rào; cải tạo Trường THCS Ngư Lộc và Trường Tiểu học Ngư Lộc 1; xây dựng công trình trạm y tế hạng mục nhà để xe và tường rào...

Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, UBND xã Ngư Lộc phối hợp với MTTQ, các tổ chức đoàn thể huy động sự tham gia đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, ủng hộ, cứu trợ cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ bảo trợ nhân dịp lễ, tết hoặc khi gặp rủi ro đột xuất.

Ngoài tạo việc làm tại địa phương, xã còn khuyến khích, vận động người dân đi làm việc tại nước ngoài. Xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động. Cùng với đó, thực hiện các chương trình tín dụng cho vay vốn thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương đã giúp Nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn. Từ tháng 1 đến tháng 9/2023 đã có 1.450 lượt vay với số tiền 82,586 tỷ đồng. Qua chính sách thực hiện ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn mà nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.

nl3.jpg
Hoạt động bảo vệ môi trường tại xã Ngư Lộc

Nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ được đầu tư trên địa bàn đã giúp cho bộ mặt xã Ngư Lộc có nhiều khởi sắc, KT-XH từng bước phát triển, đời sống Nhân dân dần nâng lên. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, nước sạch, điện... từng bước được đầu tư xây dựng. Nếu như năm 2021, số hộ nghèo xã Ngư Lộc là 121 hộ, chiếm 3,52%; số hộ cận nghèo là 280 hộ, chiếm 8,14%, thì đến tháng 10/2023, số hộ nghèo còn lại là 102 hộ chiếm 2,8%, hộ cận nghèo là 238 chiếm 6,6%.

Nghề khai thác hải sản của địa phương thời gian gần đây đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường ngày càng suy giảm, giá xăng dầu còn ở mức cao... đã ảnh hưởng nhiều đến ngành kinh tế chủ lực của xã. Nếu như, năm 2022 toàn xã có 307 tàu tham gia khai thác ở các ngư trường, đến năm 2023 giảm xuống còn 212 phương tiện.

Vì vậy, để đảm bảo giá trị sản xuất năm 2024 đạt 1.030 tỷ đồng (trong đó, thủy sản đạt 402 tỷ đồng), cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân bám biển và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ phí thuê bao thiết bị máy giám sát hành trình, tiền xăng dầu..., địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Ngoài phát triển kinh tế biển, các lĩnh vực kinh tế khác như công nghiệp - xây dựng, kinh doanh - dịch vụ cũng được quan tâm và đạt được kết quả ghi nhận, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của xã trong những năm qua. Đặc biệt, phong trào xuất khẩu lao động thời gian gần đây đang được người dân quan tâm, lựa chọn. Năm 2023, xã có 94 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các thị trường chủ yếu như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Qua đó, góp phần đưa mức thu nhập của người dân hiện nay đạt 53 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,8%.

nl4.jpg
Đời sống kinh tế nhân dân xã Ngư Lộc đã có nhiều chuyển biến

Dù còn nhiều vất vả nhưng đây được coi là mức thu nhập khá cao so với những năm trước và tạo động lực để các lao động phần nào yên tâm bám biển. Tỷ lệ hộ nghèo trong năm qua của xã cũng giảm, chỉ. Ngoài hơn 2.000 lao động trực tiếp trên biển, hàng nghìn lao động tại địa phương cũng có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ngư trường quen thuộc là Vịnh Bắc Bộ, nhiều tàu lớn của ngư dân trong xã và thành viên HTX được đóng mới với trang bị hiện đại đã ra tận Hoàng Sa, Trường Sa... đánh bắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Giảm nghèo từ kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO