Bạn đọc - Pháp luật

Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp "chây ì" tới bao giờ?

Nhóm PV 20/09/2024 - 09:16

Tài nguyên khoáng sản doanh nghiệp đã đem đi, giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, về nguyên tắc họ phải làm đề án đóng cửa mỏ, hoàn thổ, cải tạo môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp, nhiều mỏ khoáng sản vẫn “phớt lờ” trách nhiệm khiến cho chính quyền địa phương lúng túng tìm biện pháp xử lý, trong khi người dân thì bức xúc kéo dài, điểm mỏ, khai trường mỏ lại nham nhở, xuất hiện nhiều ao hồ, moong sâu hun hút.

anh-bia-1-bai-1-chuan.jpg

Bài 1:

Khoáng sản ra đi để lại hố… sâu

Tài nguyên khoáng sản doanh nghiệp đã đem đi, giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, về nguyên tắc họ phải làm đề án đóng cửa mỏ, hoàn thổ, cải tạo môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp, nhiều mỏ khoáng sản vẫn “phớt lờ” trách nhiệm khiến cho chính quyền địa phương lúng túng tìm biện pháp xử lý, trong khi người dân thì bức xúc kéo dài, điểm mỏ, khai trường mỏ lại nham nhở, xuất hiện nhiều ao hồ, moong sâu hun hút.

Nước mắt và nỗi ám ảnh ở “vùng đất chết”

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cảnh đuối nước thương tâm ở nhiều địa phương liên quan các hoạt động khai thác khoáng sản đất, đá, sét...

Có mặt tại xã Việt Dân, Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đi bộ men theo tuyến đường sắt từ thôn Phúc Thị xuyên sang thôn Đồng Ý, xã Việt Dân giáp với thôn Bắc Mã, xã Bình Dương nơi một thời được mệnh danh là “thủ phủ” khai thác đất sét mang tên mỏ sét Bình Việt, có thời điểm nơi đây tập trung tới cả chục công ty khai thác đất sét.

Tại đây, chúng tôi tận mắt nhìn thấy hàng chục ao, hồ nước mênh mông, xanh thăm thẳm, bên bờ được cắm biển cảnh báo: Cấm tắm và câu cá – hồ nước sâu nguy hiểm; cấm tắm – nước sâu nguy hiểm… Xung quanh các hồ cỏ dại mọc um tùm, nhiều hồ thông với nhau đã tạo thành “biển nước” vô tận.

anh-bai-1-1.jpg

Anh Nguyễn Văn Lâm, nhà ở thôn Phúc Thị, xã Việt Dân, chia sẻ: Trước đây, xung quanh đây có đến cả chục doanh nghiệp khai thác đất sét, khi khai thác hết sét doanh nghiệp đã bỏ đi và để lại “ma trận” ao hồ nước sâu, hai bên bờ cỏ mọc um tùm, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là các cháu trẻ nhỏ nhà ở liền kề các hố nước.

Nhiều người dân ở xã Việt Dân cho biết, họ có kiến nghị rất nhiều lần thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. UBND Thị xã Đông Triều đã có nhiều văn bản thúc giục các doanh nghiệp hoàn thổ để bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, tuy nhiên người dân đợi mãi mà không thấy các doanh nghiệp có động thái gì liên quan đến đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản.

Tương tự, tại Tp. Chí Linh và huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, các hoạt động khai thác đất sét, đá vôi, Silic… cũng đang chậm trễ trong việc đóng cửa mỏ và hoàn nguyên môi trường, khiến người dân rất bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm mỏ Keratophyr Khe Riềng của Công ty TNHH Minh Phúc, hoạt động khai thác khoáng sản đã dừng từ lâu, cây cối mọc um tùm, bên trong có nhiều hố nước rộng, sâu thăm thẳm xen lẫn những mỏm đất, đá nham nhở được tạo nên từ hoạt động khai thác khoáng sản trước đó. Hiện tại, khu vực này chưa được hoàn thổ theo quy định, do đó đã trở thành nơi chứa rác thải, đất thải khiến môi trường ở đây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rất cao.

anh-2-bai-1-mo-cty-xi-mang-phuc-son.jpg
Mỏ khai thác nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy xi măng Phúc Sơn - Doanh nghiệp đã dừng khai thác nhưng nghĩa vụ đóng cửa mỏ, hoàn thổ... vẫn chưa được phía công ty hoàn thành theo quy định.

Ông Nguyễn Văn B. sinh sống cạnh mỏ Keratophyr Khe Riềng, cho biết: Mỏ này đã dừng hoạt động từ nhiều năm nay. Từ khi dừng khai thác thì doanh nghiệp cũng mất tích luôn. Nhiều hố nước lớn, nhỏ nằm rải rác khắp nơi mà không được doanh nghiệp san lấp, hoàn trả mặt bằng. Trước đây, khu vực này là đồng bằng xen kẽ đồi núi, phong cảnh rất đẹp, nhưng bây giờ thì nham nhở nhiều mô đất đá nằm xen kẽ các hố nước rất nguy hiểm cho người và vật nuôi. Ngoài ra, nơi đây đang trở thành nơi vứt rác, phế thải của nhiều người dân, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi có mặt tại bản Phja Khao, xã Bản Thi, đã chứng kiến “trận địa” moong khai thác khoáng sản có độ sâu hàng chục mét, nằm rải rác trên sườn núi, dưới thung sâu… người dân nơi đây thường gọi là “hố tử thần” vì có quá nhiều trâu, bò đã chết tại đây.

Tất cả “hố tử thần” kia thuộc mỏ khai thác khoáng sản của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn – TMC (thuộc Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico), vị trí này doanh nghiệp đã dừng khai thác nhưng chưa hoàn nguyên môi trường và bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.

anh-3-cho-don.jpg
Phía dưới là moong khai thác cũ và ngay vệ đường đi vào thôn Phja Khao, xã Bản Thi, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn – TMC đang tiến hành đổ thải đất, đá... Trời mưa nguy cơ sạt lở rất cao.

Một người dân ở thôn Phja Khao (xin giấu tên), thốt lên: Quặng đã khai thác hết, hầm hố không được san lấp trở thành mồ chôn hàng chục con trâu, bò của người dân thôn Phja Khao rồi! Dân bức xúc thì doanh nghiệp cho quây hàng rào thép gai xung quanh moong, tuy nhiên trâu, bò vẫn rơi xuống, nếu người dân kịp phát hiện và tổ chức cứu vớt thì trâu, bò thoát chết. Còn không chỉ cần vài tiếng rơi xuống đó là trâu, bò chết vì lạnh.

Bà Phùng Thị Huyền, Trưởng thôn Phja Khao, cho biết: “Số lượng trâu, bò, mấy năm trước khi chưa có hàng rào thép gai chết rất nhiều, có lần chết 4 -5 con trâu, gần đây có hàng rào thép gai nên trâu, bò hạn chế rơi xuống đó. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, ngắn hạn về lâu dài bà con rất mong chính quyền địa phương và phía doanh nghiệp phải hoàn thổ, có như thế thì trâu, bò và người dân sẽ không phải đối mặt với các rủi ro.

Tiếp cận vùng mỏ… không dễ

Nếu không thông thạo địa bàn, địa hình thì chúng tôi chỉ biết “dò đường” đến với các điểm mỏ khai thác khoáng sản bị bỏ hoang, nói chính xác hơn là nơi đây sau khi doanh nghiệp tổ chức khai thác khoáng sản xong và đã rời đi nhưng trách nhiệm hoàn thổ, cải tạo môi trường chưa trọn vẹn, việc đóng cửa mỏ còn dang dở hoặc đóng cửa mỏ rồi nhưng chưa bàn giao đầy đủ cho địa phương quản lý vì nhiều lý do.

Có mặt tại Thị xã Kinh Môn và Tp. Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chúng tôi chứng kiến tận mắt nhiều khu vực từng là khai trường nhộn nhịp, giờ chỉ còn là những bãi đất trống nham nhở, lồi lõm, hố nước sâu thẳm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Phải kể tới mỏ Sét Ceramic làm gạch (thôn Trúc Thôn, phường Cộng Hoà) của Công ty CP nguyên liệu Vigracera; mỏ đất đồi phía Bắc đồi Hố Da (phường Văn An), mỏ đất đồi phía Tây đồi Hố Da (phường Chí Minh) của Hợp tác xã Công nghiệp 68 Chí Linh; mỏ sét xám trắng và sét loang lổ, nâu đỏ, xám xanh (phường Cộng Hoà) của Công ty TNHH MTV Xây dựng, Vận tải và Thương mại Bảo Anh.

htx-68-chi-linh.jpg
Việc tiếp cận và đi vào hiện trường vùng mỏ rất khó khăn

Còn tại Thị xã Kinh Môn, mỏ sét núi Công (phường Duy Tân, phường Phú Thứ) của Công ty Xi măng Phúc Sơn; mỏ Silic Bát Điếu, mỏ đất sét phía Tây Bắc núi Cúc Tiên, mỏ đất sét phía Tây Nam núi Cúc Tiên của Xí nghiệp Công nghiệp Xây dựng số 1; mỏ đá vôi núi Công của Công ty CP xi măng Trung Hải… Nếu không có người dân bản địa chỉ đường và nói cụ thể từng mỏ thì chúng tôi thật sự “lạc trong ma trận” và không biết lối nào để vào tiếp cận hiện trạng mỏ.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, khi chúng tôi “dò đường” và tiếp cận được “vùng đất chết” ở xã Việt Dân, Tràng An, Bình Khê, Bình Dương… tại đây hàng chục hồ nước lớn hiện ra trước mắt chúng tôi, cứ ngỡ đây là vùng quy hoạch nuôi thủy sản trù phú của một vùng quê nhưng khi tiếp chuyện với người dân địa phương thì chúng tôi mới biết được tường tận của vấn đề.

Các hồ nước lớn và sâu “không đáy” đó là hiện trường khai thác sét của cả chục doanh nghiệp trước đây được tỉnh Quảng Ninh cấp phép khai thác khoáng sản, tài nguyên họ đã đem đi làm giàu cho chính họ, tuy nhiên trách nhiệm hoàn nguyên môi trường thì họ lại “bỏ quên” hoặc cố tình kéo dài thời gian đóng cửa mỏ, phớt lờ sự yêu cầu và kiểm tra của chính quyền địa phương.

anh-bia.jpg
Nhiều mỏ sét sau khi doanh nghiệp khai thác xong đã để lại nhiều hồ nước lớn và sâu thăm thẳm và còn nằm sát khu dân cư nguy cơ tiềm ẩn đuối nước cho người và gia súc rất cao

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Việt Dân, cho biết: Trên địa bàn hiện có 2 mỏ đất sét đã hết hạn khai thác từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đề án đóng cửa mỏ và thực hiện cải tạo phục hồi môi trường. Hiện trường các mỏ khai thác đất để lại hố nước sâu rất nguy hiểm đối với người và vật nuôi. Chúng tôi và người dân đã nhiều lần kiến nghị với phía doanh nghiệp nhưng họ chỉ hứa và không thấy có động thái gì.

Có lẽ đặc biệt và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với chúng tôi là khi tìm đường và tiếp cận vùng mỏ Phja Khao, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Chúng tôi không biết đường nên phó mặc vào Google Maps, may mà đi được một đoạn chúng tôi được một người dân bản địa tốt bụng bảo: Vào Phja Khao đường này ô tô không đi được đâu, các anh nên thuê xe máy mà đi.

Chúng tôi đánh liều vào nhà dân và hỏi thuê xe máy, may mà có xe của mình để lại làm “bảo tín” nên sau một hồi đắn đo thì họ cho chúng tôi thuê xe. Hành trình “đau khổ” bắt đầu! Theo định vị Google Maps thì mất 12km chúng tôi sẽ đến Phja Khao. Đi được khoảng 500m thì bắt đầu chớm vào “con đường đau khổ”, xe nhảy chồm chồm như muốn hắt chúng tôi xuống đường, thi thoảng tôi lại phải nhảy xuống đi bộ, có như thế cậu em mới cài số 1 và leo dốc được.

Cậu em sau một hồi “ngấm mệt” đổi lái cho tôi, ngồi đường sau nó nói: Hay quay về đi anh, em sợ anh em mình vào tới nơi làm xong quay về tối mất. Tôi không nói gì, chỉ nghĩ trong đầu: Có khi phải ngủ lại trong bản.

anh-5-bai-1.jpg
Phóng viên tiếp cận vùng mỏ vô cùng gian nan

Về số 1, chân đạp phanh, tay vừa bóp phanh vừa ghì lái, tôi nói lớn với cậu em: Xe mất phanh anh hô em phải nhảy ra nhé, em nhảy xong anh bỏ xe luôn. Xe hỏng đền được, chứ anh em mình có sao là khổ. Vừa dứt lời, đi được một lúc xe khự khự một hồi và nhất định không chịu chạy. May lúc này anh em tôi vừa đổ đèo thành công. Xích đứt làm đôi, bốn bề là núi cao, trời xanh thì đổ nắng như muốn thiu người, trong khi sóng điện thoại không có, hoang mang vô cùng! Cậu em đi bộ về phía trước tìm sự giúp đỡ. Tôi ở lại hì hục tìm cách tháo hộp xích để dắt xe vào gốc cây tránh nắng.

Một tiếng trôi qua, ơn trời cậu em quay lại với một anh người Tày tốt bụng. Anh mang theo sợi dây thừng để kéo xe và tôi phía sau, đi độ gần 2 km thì có nhà dân và tiệm sửa xe. 30 phút đợi sửa xe, anh em tôi lại tiếp tục hành trình một giờ leo dốc, đường đá lô nhô, một bên là vực, phía trước vẫn là đường cua tay áo...

Ơn trời vào bản dân thương, anh em làm việc thuận lợi, thu thập tư liệu đầy đủ chúng tôi quay ra về thì trời đã nhá nhem, người dân Phja Khao mách đường cho chúng tôi đi về, tuy xa hơn 15km (cộng lại 27km) nhưng anh em vui lắm, vì ko phải quay lại "con đường đau khổ".

anh-4-bai-1.jpg
Đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ ở Phja Khao nhưng chỉ cần tiến về phía trước độ vài trăm mét là "ma trận" moong sâu rất nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng của trâu, bò bất kỳ lúc nào nếu không may xảy chân xuống moong.

Bài 2: Địa phương loay hoay xử lý

anh-tac-gia.jpg
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp "chây ì" tới bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO