Môi trường

Bình đẳng giới trong phát triển rừng

Minh Hạnh 18/10/2024 - 10:51

Trên thế giới có khoảng 1/3 phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp nhưng cơ hội của họ không bằng nam giới. Họ thường làm những công việc phụ, không chính thức hoặc giúp việc, ít được giao những vị trí quan trọng.

Những thông tin này trong báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để khẳng định vai trò phụ nữ trong các ngành lâm nghiệp, nông nghiệp bền vững.

Với độ che phủ 42,02% tổng diện tích của đất nước, rừng Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh, quốc phòng. Rừng còn là bể chứa carbon tự nhiên, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Ngành lâm nghiệp, do đó, cũng là một ngành kinh tế kỹ thuật mang lại cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân.

Trăn trở với nghề trồng rừng

Khi Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, chú trọng hơn vào việc phát triển và bảo tồn rừng hướng tới phát triển bền vững, vai trò của phụ nữ cũng ngày càng bộc lộ và cần được coi trọng. Phụ nữ đã và đang đóng góp vào sự phát triển bền vững của rừng thông qua nhiều cách, nhiều ngành nghề khác nhau.

Từng công tác tại Sở Khoa học và Công Nghệ và có cơ hội đi đến các địa phương, bà Phan Thị Hạnh – hiện là Giám đốc Doanh nghiệp Kinh doanh dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh – đã nhận thấy tiềm năng rất lớn về đất đai lâm nghiệp nhưng điều kiện kinh tế vẫn còn rất khó khăn.

Khi có cơ hội tiếp xúc và lắng nghe các câu chuyện, chia sẻ thực tế từ người nông dân, bà thấy rằng trong công tác trồng rừng, dù việc sử dụng cây giống chất lượng cao rất quan trọng nhưng nó lại không nhận được sự quan tâm và đầu tư đúng mức từ người trồng rừng, dẫn tới năng suất sau nhiều năm trồng rất kém.

“Những trăn trở đó cùng mong muốn đem lại các cây giống có giá trị kinh tế cao hơn cho người dân đã là động lực to lớn thôi thúc tôi xây dựng doanh nghiệp của mình cho tới ngày hôm nay”, bà Hạnh chia sẻ.

screenshot-2024-10-18-at-08.47.52.png
Phòng nuôi cấy mô tế bào, nhân giống cây keo lai của Doanh nghiệp Nguyên Hạnh.

Mang theo trăn trở với rừng, năm 2004, bà thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cây trồng công nghệ cao. Tại thời điểm đó, công nghệ nuôi cấy mô giống lâm nghiệp còn rất mới mẻ và gặp nhiều khó khăn phức tạp. Đầu tư ban đầu rất lớn do các trang thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu đều mang tính đặc thù nên rất đắt đỏ và khó tìm. Trong khi đó, thị trường cây mô vừa mới manh nha và còn nhỏ lẻ.

“Thách thức lớn nhất đối với tôi khi ấy cò là cân bằng đam mê sự nghiệp và gia đình. Với sự đam mê và bền bỉ, sự tử tế trong mỗi hành động trong công việc. Từng bước, tôi đã khắc phục được những khó khăn, thách thức đó để có được như ngày hôm nay”, bà nói thêm.

Sau 19 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp của bà Hạnh đã trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong cung ứng giống cây trồng rừng công nghệ cao tại Việt Nam với nhiều thành tích đặc biệt; góp phần mở rộng thị trường cây giống chất lượng cao, ngày càng có nhiều trung tâm nuôi cấy mô được hình thành và phát triển với nhiều quy mô khác nhau trên cả nước.

Tăng cường vai trò của phụ nữ

Trường hợp của bà Phan Thị Hạnh chỉ là một minh chứng cho thấy nữ giới, cũng như nam giới, hoàn toàn có thể đóng góp vào sự phát triển của ngành trồng rừng. Do đó, việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường tiếng nói của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ cần thiết, hướng tới phát triển bền vững.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: “Tôi cho rằng, lâm nghiệp hay bất cứ ngành nào trong nông nghiệp hiện nay cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ. Thứ nhất đó là công bằng trong cơ hội tiếp cận công việc. Cần tạo điều kiện cho nữ giới được tiếp cận công việc ngang bằng như nam giới, đặc biệt đối với phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số.

dsc05590.jpg
Phụ nữ, như nam giới, cũng có nhiều đóng góp trong nỗ lực phát triển rừng

Thứ hai là công bằng trong cơ hội học tập. Nữ giới và nam giới đều cần phải có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng như nhau. Khi nữ giới được tăng cường kiến thức, kỹ năng, họ sẽ có cơ hội tham gia các công việc tốt hơn, nắm giữ các vị trí cao hơn và quan trọng hơn. Thứ ba đó là tăng cường cơ hội tiếp cận tới các nguồn lực. Nam và nữ đều có cơ hội ngang bằng nhau trong việc tiếp cận tới các nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tiến hành những giải pháp song hành khác có tính đến yếu tố đặc thù về giới tính”.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong các dự án Lâm nghiệp cũng là sứ mệnh của Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) ngay từ khi thành lập. Chia sẻ nỗ lực của tổ chức, bà Vũ Thị Bích Hợp – Giám Đốc SRD – cho hay đối với SRD, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn là đối tượng hưởng lợi đầu tiên.

Để thúc đẩy bình đẳng giới trong các dự án phát triển rừng, nông nghiệp bền vững, SRD đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ.

Đầu tiên là thay đổi suy nghĩ về tính sở hữu dự án, khuyến khích phụ nữ tham gia vào mọi hoạt động từ khảo sát ban đầu, đến thiết kế, lập kế hoạch hoạt động, triển khai và đánh giá dự án.

Thứ hai, tiếp cận một cách công bằng tới các nguồn lực tại địa phương cũng như từ các dự án, đặc biệt là nguồn lực kỹ thuật và tài chính, để phụ nữ triển khai các mô hình sinh kế bền vững, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Đồng thời, hỗ trợ kết nối thị trường và tìm đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ mà họ sản xuất, cung cấp.

Thứ ba, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các kiến thức, kỹ năng thông qua các khoá tập huấn theo phương pháp lớp học tại ruộng đồng, đặc biệt là áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm khí phát thải trong trồng trọt và chăn nuôi.

Thứ tư, hỗ trợ tập huấn về kinh doanh như kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng quảng bá và bán hàng trên nền tảng mạng xã hội.

Đồng thời, thực hiện các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng về bình đẳng giới nhằm thay đổi định kiến, thúc đẩy nam giới chia sẻ công việc nhà trong gia đình.

Nhờ vào những hoạt động này, phụ nữ tại nhiều nơi đã tự tin hơn trong cuộc sống, có tiếng nói hơn trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Rất nhiều phụ nữ trong các địa bàn dự án đã trở thành lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào lĩnh vực phát triển rừng.

“Nhìn từ góc độ chính sách, tôi cho rằng ngành lâm nghiệp của Việt Nam đã có những quy định đảm bảo nguyên tắc về bình đẳng giới trong các hoạt động lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nỗ lực để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia và vai trò của phụ nữ trong ngành Nông nghiệp nói chung và Lâm nghiệp nói riêng trong thời gian tới”

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng giới trong phát triển rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO