Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai xảy ra với những diễn biến tương đối phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Do đặc thù điều kiện tự nhiên của huyện Hòa An, người dân thường sinh sống tập trung vùng đồi núi, ven sông suối, nhà ở phần lớn thiếu kiên cố; cuộc sống chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi có mức sống trung bình. Sau những trận mưa, mưa lớn, gió lốc, sét…, các tuyến giao thông liên huyện, xã, đường xóm tại các vị trí xung yếu thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông; đối với các hộ dân cư sống tập trung, xen ghép bố trí dọc sườn đồi một số nơi có hiện tượng sụt lún, sạt trượt khối đất, đá.
Ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An cho biết: Xác định công tác phòng, chống thiên tai là một nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và xuyên suốt, hằng năm, UBND huyện Hòa An đã chỉ đạo các cấp, các ngành huyện triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp huyện, cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh, triển khai kế hoạch cụ thể, chi tiết các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật, nắm chắc các diễn biến, tình hình thời tiết, thiên tai thông báo cho người dân nắm và kịp thời ứng phó.
“Tập trung triển khai các giải pháp cụ thể phòng, chống và ứng phó thiên tai, huyện Hòa An đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phòng tránh, ứng phó và thích nghi với thiên tai đến cấp xã, nhất là đến các hộ dân sinh sống, sản xuất tại các khu vực nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai. Nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu, trong đó tập trung di dời những hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao bị ảnh hưởng thiên tai”. Ông Đàm Thanh Hưởng cho biết thêm.
Vào những năm gần đây thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, mưa lớn kéo dài thường xảy ra cục bộ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt là những bản làng vùng núi cao. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, vào mùa mưa bão hằng năm, huyện Hòa An chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương của huyện xây dựng, triển khai các phương án cụ thể, sát thực tế như: di dời, sơ tán người dân sinh sống ở những vùng có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở…; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện. Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đá do mưa lũ hoặc dòng chảy gây ra, cũng như các khu vực nguy hiểm khác. Chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo cho các hộ dân, đảm bảo an toàn cho các hộ trong vùng sạt lở, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” khi xảy ra thiên tai.
Tích cực chủ động triển khai, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, huyện Hòa An những năm qua đã giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất đá gây ra. Song, công tác phòng, chống thiên tai; di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn như quỹ đất không có để di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Một số hộ gia đình còn chủ quan, chưa chủ động ứng phó, di chuyển nhà ở đến nơi an toàn, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cùng với đó một số do phong tục tập quán sinh sống nên khó khăn trong việc vận động di dời. Ngoài ra, nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và hỗ trợ người dân khôi phục, phát triển sản xuất sau thiên tai.
“Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Hòa An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, các công điện, văn bản chỉ đạo trong việc ứng phó với thiên tai qua hệ thống đài truyền thanh, điện thoại… để cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, đơn vị và nhân dân biết chủ động phòng tránh. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo nâng cao năng lực đối với các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai; thường xuyên tổ chức diễn tập PCTT & TKCN trên địa bàn. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, hỗ trợ trực tiếp kịp thời nhân dân khi thiên tai xảy ra…, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân, cũng như các công trình phúc lợi khi thiên tai xảy ra”. Ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An cho biết.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, trên địa bàn huyện Hòa An xảy ra 7 đợt thiên tai, gây thiệt hại về nhà cửa (tốc mái) của 153 hộ dân; thiệt hại 34,09 ha ngô và rau màu; 2,71 ha lúa của 227 hộ dân; có 4 hộ dân của 2 xóm thiệt hại về thủy sản; sạt lở đất, đá tại các tuyến giao thông nông thôn; ước thiệt hại hơn 4 tỷ 500 triệu đồng. 5 tháng đầu năm 2022, xảy ra 3 đợt thiên tai do mưa kéo dài làm ngập úng thiệt hại 3,15 ha cây thuốc lá và 1,52 ha ngô của 23 hộ dân; đổ tường hàng rào trường học, sạt lở đất, đá taluy dương của một số tuyến giao thông nông thôn và đường tỉnh; ước tính thiệt hại khoảng 340 triệu đồng.