Hỗ trợ quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng

Khải Minh| 21/01/2021 09:39

(TN&MT) - Để đạt được những mục tiêu mong muốn, trong năm “về đích” 2021, Dự án GCF sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức cần giải quyết cùng một lúc, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, một tín hiệu vui đã đến đó là Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cam kết hỗ trợ Tổng cục Phòng chống thiên tai và các tỉnh trong việc thực hiện Chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng quan trọng này.

Tăng sức chống chịu

Theo đánh giá của bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, những ngôi nhà chống chịu bão lũ của chúng ta đã được chứng minh rất thành công qua những trận lũ và bão ở miền Trung hồi tháng 10 đến trung tuần tháng 11/2020, giúp cứu sống nhiều người dân và duy trì sinh kế của họ. Dựa trên kết quả này, UNDP đã có thể huy động thêm khoản hỗ trợ khẩn cấp hơn 1,4 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho thêm 3.200 hộ gia đình ở 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nặng nề nhất tại miền Trung Việt Nam sửa chữa nhà với các tính năng chống chịu bão lũ được áp dụng trong Dự án.

Bên cạnh đó, trong năm qua, UNDP cùng với Bộ Xây dựng hoàn thành đánh giá cuối cùng về nhu cầu nhà ở chống chịu thiên tai tại 28 tỉnh ven biển của Việt Nam. Các kết quả đánh giá cho thấy, cần phải xây dựng hơn 100.000 ngôi nhà chống chịu bão lũ, trong đó hơn 24.000 ngôi nhà nằm ở các khu vực ven biển Việt Nam. UNDP vẫn cam kết tham gia hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này và mong muốn sẽ có sự chuyển đổi thuận lợi giữa Chương trình 48 và Chương trình nhà ở mới.

UNDP cũng khuyến khích tất cả 5 tỉnh thuộc Hợp phần “trồng và khôi phục rừng ngập mặn” tiếp tục hoạt động chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả để đạt được 4.000 ha rừng chất lượng cao vào ngày 31/12/2021. Trong đó, Thanh Hóa và Quảng Ngãi hiện đang gặp khó khăn trong việc triển khai do các địa điểm được xác định không thích hợp để trồng rừng; do vậy, UNDP cũng khuyến khích các tỉnh khác bố trí diện tích để trồng bổ sung vào năm 2021 cho đạt mục tiêu chung của Dự án, đặc biệt là ở Nam Định.

Bàn giao nhà chống bão lũ cho người dân nghèo tỉnh Thừa Thiên - Huế.                                         Ảnh tư liệu: UNDP cung cấp

Phải họp được Ban chỉ đạo lo kế sách lâu dài

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, là năm cuối cùng của Dự án, năm 2021 sẽ là một năm vô cùng quan trọng đối với Dự án GCF. Bà Caitlin Wiesen chỉ ra một số mục tiêu quan trọng và thách thức khác cần giải quyết đồng thời.

Trước hết, Ban Chỉ đạo Dự án GCF đã không được tổ chức kể từ đầu năm 2019. Điều này chủ yếu là do chưa chỉ định được một đồng Chủ tịch chính thức của Ban Chỉ đạo từ phía Chính phủ để thay thế đồng Chủ tịch trước đó và do có một số thay đổi về lãnh đạo ở một số tỉnh. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo được coi là một cơ chế quản lý Dự án rất quan trọng, cần phải họp ít nhất mỗi năm một lần để thảo luận về các vấn đề của Dự án. Nếu thiếu điều này, có thể xem như là một thiếu sót lớn được ghi nhận trong đợt Đánh giá cuối cùng của dự án. “Cuộc họp Ban Chỉ đạo cần được tổ chức để thảo luận về hướng đi tiếp theo cũng như đưa ra các khuyến nghị chiến lược. Cùng với đó, Tất cả các Ban Quản lý Dự án thành phần và Hợp phần cần tập trung theo dõi và bám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện tất cả các hoạt động”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Về các cơ hội chiến lược đối với sự bền vững của các can thiệp trong Dự án, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nêu rõ, việc đánh giá và xây dựng Chương trình nhà ở mới tại 28 tỉnh ven biển đã được thực hiện tốt trong năm 2020. Chương trình nhà ở an toàn mới là một ví dụ điển hình về cách nhân rộng kết quả từ dự án này sang các cộng đồng ở các khu vực khác tại Việt Nam. Do vậy, cần tận dụng một cách chiến lược các cơ hội này để nhân rộng lợi ích tiềm năng cho các hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương khác.

Tương tự, đối với Đề án 1002 “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” của Chính phủ giai đoạn 10 năm tiếp theo 2021 - 2030, do Tổng cục Phòng chống thiên tai xây dựng với sự hỗ trợ của dự án; UNDP vẫn cam kết hỗ trợ Tổng cục Phòng chống thiên tai và các tỉnh trong việc thực hiện Chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng quan trọng này.

“Ban Quản lý Dự án GCF các tỉnh cần khắc phục những khó khăn và triển khai kịp thời các giải pháp trồng rừng để kịp tiến độ mà Dự án triển khai; tiếp tục thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân, đồng thời thực hiện giám sát lượng phát thải khí nhà kính với mục tiêu chính là tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, góp phần hấp thụ khí các-bon để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học”

Ông Cao Chí Công

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Giám đốc Dự án GCF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO