Trong đó, hội thảo tập trung vào tiến độ các hoạt động thích ứng với BĐKH được triển khai ở các làng nông thuận thiên (CSV) cùng thành tựu thu được từ các mô hình, cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm để tăng cường các hoạt động thích ứng với BĐKH tại khu vực cần phải giải quyết trong năm tới.
TS. Leo Sebastian, Giám đốc CCAFS khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh, với mục tiêu chính của CCAFS là giải quyết các vấn đề và tận dụng các cơ hội để ứng phó với BĐKH trong khu vực, CCAFS Đông Nam Á đang hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác nhằm xây dựng và triển khai một chương trình nghiên cứu cho phát triển có tính gắn kết hơn.
Trong số rất nhiều các hoạt động được báo cáo tại hội thảo, có nhiều hoạt động nghiên cứu được triển khai tại các làng nông thuận thiên ở các quốc gia Campuchia, Lào, Philippin và Việt Nam. Điển hình là các dự án về phát triển giảm phát thải, dịch vụ thông tin khí hậu và khuyến nghị nông nghiệp, hệ thống an sinh xã hội nông thôn, các chiến lược giảm phát thải trong sản xuất lúa. nghiên cứu phương án đầu tư cho sản xuất lúa phát thải thấp...
Các hoạt động mang tính địa phương, cụ thể là các hoạt động triển khai ở các vùng sinh thái nông nghiệp ở Việt Nam cũng được trình bày. Một số hoạt động tiêu biểu như việc xây dựng và phát triển bộ công cụ lập bản đồ rủi ro khí hậu và xác định phương án thích ứng cho sản xuất lúa tại các tỉnh vùng ĐBSCL; Nghiên cứu sơ bộ về phát thải khí methane trong chăn nuôi các loại trâu bò tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam; Rà soát và cập nhật các hoạt động của ngành nông nghiệp đóng góp vào NDC của Việt Nam; Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng biện pháp canh tác thủy sản thích ứng với BĐKH tại tỉnh Thanh Hóa.
CCAFS Đông Nam Á là một chương trình nghiên cứu lớn được triển khai bởi Khối các Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn về Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), một tổ chức nghiên cứu toàn cầu với sứ mệnh phát triển nông nghiệp nhằm giảm đói nghèo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, cải thiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.