Giảm thiểu rác thải nhựa
Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai từ tháng 12/2019 - 10/2022 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, hình thành các mô hình dựa vào cộng đồng để quản lý chất thải sinh hoạt một cách hiệu quả. Dự án đã thí điểm thực hiện tại 5 tỉnh thành bao gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương và được triển khai bởi các tổ chức địa phương như Hội Nông dân và Hội Phụ nữ để xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost.
Đơn cử như tại thành phố Đà Nẵng, Dự án đã xây dựng mô hình quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Với mô hình thí điểm của Dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thành lập nhóm nòng cốt tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang nhằm giám sát, theo dõi việc thực hiện các hoạt động. Những người trong nhóm nòng cốt đã được đào tạo kiến thức về rác thải và nhựa, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn. Những người này đóng vai trò là người giám sát tại từng địa điểm để đảm bảo từng hộ gia đình thực hiện đúng quy trình phân loại trước khi xe rác đến thu gom.
Mô hình đã thực hiện các hoạt động giáo dục và truyền thông về quản lý rác thải nhựa và rác thải đã được phối hợp thực hiện với Đoàn thanh niên, thu hút được sự tham gia tích cực của thanh niên. Với sự nhắc nhở sát sao, dự án ghi nhận kết quả 80% hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, đến năm 2020, toàn tỉnh phát sinh 455,56 tấn chất thải rắn đô thị mỗi ngày, nhưng chỉ có khoảng 67% trong số đó được thu gom. Dự án đã thực hiện nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng, Nhơn Châu thuộc Vịnh Quy Nhơn, Bình Định.
Tại tỉnh Bình Thuận, dự án đã tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa cho 450 học sinh lớp 12. Bên cạnh đó, Dự án đã kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương, với mô hình tàu cá tại cảng Phan Thiết của thành phố Phan Thiết, cảng Liên Hương, bến cá Hà Phong và tàu du lịch Hòn Cau.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, Dự án đã tổ chức 35 buổi tập huấn tại thành phố Hạ Long về phân loại rác thải và nhựa, với 6.000 người dân tham gia, bao gồm: thành viên các tàu cá, đại diện hộ dân, thanh thiếu niên, học sinh, thành viên Chi hội thu mua ve chai, hộ kinh doanh cá thể, nhân viên một số doanh nghiệp. Thông qua Dự án, hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần. Dự án đã tặng 30 xe đạp, 140 bộ quần áo bảo hộ, 100 đôi giày cho các lao động ve chai tại thành phố Hạ Long.
Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, công nhân xử lý chất thải, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhưng dễ bị tổn thương và chịu một số rủi ro như khi thu gom rác thải sẽ có khả năng tiếp xúc với vật liệu độc hại và chất thải y tế.
Do đó, điều cần thiết là công nhân xử lý chất thải cần phải được bảo vệ, hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản, được đào tạo nâng cao nhận thức, đồng thời cũng cần được nhận diện rõ ràng trong hệ thống quản lý chất thải. UNDP đã hỗ trợ tổ chức hơn 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức, chủ yếu là phụ nữ.Đồng thời dự án cũng thành lập 5 quỹ tín dụng nhỏ với tổng số vốn vay khoảng 890 triệu đồng, giúp tăng thu nhập của các nhóm ve chai lên ít nhất 20% so với trước kia.
Chị Hồ Thị Đính Khương, lao động ve chai tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết: Sau khi tham gia dự án đã giúp thu nhập hàng tháng tăng lên 4-5 triệu/tháng (tăng khoảng 40% so với trước kia). Chúng tôi cũng được hỗ trợ gói vay vốn với lãi suất 0%. Ngoài ra, dự án cũng giúp kết nối tạo thuận lợi hơn cho việc thu gom phế liệu của những người làm nghề giống mình.
Tại tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập một quỹ xoay vòng với số tiền 350 triệu đồng cho những người làm nghề ve chai nơi đây có vốn để hoạt động.
Theo đánh giá của UNDP, sau khi tham gia vào mô hình, nhận thức của người dân và sự tham gia của các bên liên quan trong việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và tăng cường quản lý rác đã tăng lên 40%, đồng thời, tạo thêm thu nhập cho người dân. Có hơn 100 quy định về sản xuất và tiêu thụ nguyên vật liệu bền vững với doanh nghiệp được thông qua. Ngoài ra, những kinh nghiệm thu được của dự án cũng là tiền đề để UNDP hình thành một dự án giai đoạn 2 về “Các mô hình quản lý chất thải tổng hợp và bao trùm thông qua trao quyền cho khu vực phi chính thức và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”.