Thế nhưng, đằng sau những khu công nghiệp, khu đô thị mới, công xưởng, nhà máy… mọc lên, chúng ta cần phải bình lòng mà nhìn ra rằng phía sau những ánh hào quang ấy còn tiềm ẩn bao mối lo cho mai sau, cho sự phát triển bền vững của những vùng đất vốn đang được coi là phồn thịnh.
Hôm qua, tôi về Quy Nhơn, nơi có bãi biển xanh ngút ngàn. Trong vi vu gió chiều miền Trung, bạn bảo, mai này Quy Nhơn sẽ có nhiều nhà đầu tư vào đây. Những resort, khu nghỉ dưỡng, sân golf, nhà máy công nghiệp sẽ đổ về đây. Quy Nhơn sẽ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung. Nghe mừng, xong cũng không ít ưu tư khi không gian vốn đã chật hẹp này cứ hối hả dựng xây, hối hả chia lô bán nền để phát triển!
Ông Raymond Malon, cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Cải cách kinh tế Australia - Việt Nam cho rằng, trong phát triển kinh tế của Việt Nam, việc học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước là rất cần thiết. Trong đó, bài học đáng lưu tâm là chuyển đổi mô hình phát triển mới, tập trung vào nâng cao năng suất. Nghĩa là, khi dư địa tăng trưởng dựa trên tài nguyên trở nên hạn hẹp, thì cần phải chuyển hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các tài nguyên đó.
Bởi thế, cho đến hôm nay, với chúng ta, khi mở dòng nước sạch, xin hãy nhẹ tay tiết kiệm bởi nguồn nước sạch đang ngày một khan hiếm. Xin hãy nhớ, còn đó nhiều vùng đất đang “khát cháy”, nước sinh hoạt phải lấy từ những vũng lầy, hố sâu giữa đồng chua nước mặn. Nhiều nơi vẫn phải mua nước sạch với giá cắt cổ, phải đi xa cả vài cây số để lấy nước sinh hoạt.
Khi băng xe trên đường phố, dừng lại trước lằn vôi trắng, xin hãy nhẹ tay ga để giảm bớt khí thải vào môi trường, để người phía sau không phải chau mày, bịt mũi. Người cầm lái và người ngồi trong những chiếc ô tô sang trọng mát mẻ bao nhiêu giữa tiết trời oi nóng, xin hãy trông bên ngoài có lưng áo xanh thấm ướt mồ hôi, hãy nghĩ nỗi khổ của người bên ngoài bởi sức nóng lan tỏa từ giàn máy lạnh.
Đến công sở, xin hay cân nhắc trước khi bấm nút điều khiển khởi động máy điều hòa. Tốc độ vòng quay tăng lên bạn sẽ được mát hơn, nhưng cũng theo đó, môi trường tăng thêm ô nhiễm bởi các hoạt chất thải ra từ thao tác ấy. Vừa phải thôi để tiết kiệm năng lượng, giúp môi trường xung quanh bớt đi ô nhiễm.
Xả nước trút bỏ những nhọc nhằn của một ngày đã qua, xin hãy rút bớt một phần hóa chất tẩy rửa để lòng đất bớt đi phần nào chất độc mà nền văn minh tiêu dùng đã sản sinh ra nó…
Bao khu công nghiệp, bao nhà máy mới mọc lên hôm nay đã góp một phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng đã ai thống kê được hệ quả đằng sau nó là gì!?
Hãy cân nhắc thấu đáo để xem xét đến những tác động tới môi trường sống trước mỗi quyết định cho một dự án ra đời.
Hôm nay, chúng ta đang có những doanh nghiệp nghìn tỷ, những “điểm sáng” trong đầu tư và làm ăn kinh tế giỏi. Nhưng bao nhiêu trong số đó “lớn lên” bằng sức mạnh tự cường, bằng những sản phẩm đích thực có tên trên trường quốc tế? Và bao nhiêu “tên tuổi” đã đi lên bằng đất đai, bằng chênh lệch địa tô, bằng việc bạt núi phát quang rừng già? Ta ghi ra và so sánh để một mai kiểm đếm cho những trả giá mà chúng ta đã tiêu dùng thái quá ngày hôm nay!
Chúng ta đang sống trong một thế giới tiêu dùng với đủ loại rác thải độc hại xả vào môi trường sống. Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô hạn. Xin hãy dành cho đời sau chút gì còn lại!? Thế giới thật rộng nhưng mong manh vô cùng trước vũ trụ bao la. Xin hãy nghĩ cho ngày mai để ta không hoang phí những gì thiên nhiên ban tặng, để ta sống hòa cùng thiên nhiên, để bớt đi những đau thương mỗi khi thiên nhiên nổi giận.