Hậu sốt đất: Người “cắt lỗ”, kẻ “gom hàng”

Bài và ảnh: Thục Vy| 03/06/2021 13:36

(TN&MT) - Sau một thời gian dài lên “cơn sốt”, thị trường nhà đất tại các tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu hạ nhiệt. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư (NĐT) không trụ nổi đã bắt đầu “cắt lỗ” và cũng là lúc xuất hiện nhiều “đầu nậu” mua gom.

Nhà đầu tư “cắt lỗ”

Trong những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) đã chứng kiến cơn "nhảy múa" của giá đất tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong cơn quay cuồng đó, giá đất tại nhiều nơi đã tăng mạnh, có nơi tăng đến 200%. Tuy nhiên, với việc vào cuộc của chính quyền địa phương và các Bộ, ngành, cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện tượng “sốt đất” đang có xu hướng giảm. Khi “sốt đất” bắt đầu hạ nhiệt thì trên thị trường lại xuất hiện tình trạng chạy đua bán đất nền, chung cư “cắt lỗ”.

Lướt một vòng các trang mạng về mua bán BĐS hay những group của môi giới địa ốc trên zalo, facebook, không khó để bắt gặp những cụm từ: "cần tiền bán gấp", "bán cắt lỗ sâu do Covid",… Đơn cử, anh Tuấn, chủ một khu đất tại huyện Hớn Quản (Bình Phước) đang rao bán nhanh 2 lô đất mặt tiền tại thị trấn Tân Khai với giá 2,2 triệu đồng/m2. Lô đất này được anh Tuấn mua vào thời điểm đất tại Hớn Quản đang lên “cơn sốt” với giá 2,7 triệu đồng/m2 cùng ý định “lướt sóng” kiếm lời, nhưng anh chưa kịp “lướt” thì thị trường hạ nhiệt nên đành ôm cho đến nay. Giờ đây, ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Tuấn không đủ khả năng trả nợ ngân hàng nên đành bán lỗ.

Khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn thời điểm đầu tháng 5/2021, tại nhiều điểm “nóng” về giá đất thời gian qua cho thấy giao dịch mua bán đều đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá bán tại nhiều khu vực chưa giảm sâu, chỉ giảm nhẹ về gần vùng giá trước sốt. Những tài sản rao bán cắt lỗ thời gian này chủ yếu là của những NĐT dùng đòn bẩy tài chính, nhưng rất ít trường hợp cắt lỗ 50 - 60% hoặc chỉ xuất hiện tại những điểm “nóng” bị nâng giá quá cao, nhiều trường hợp chỉ là “cắt lỗ” về mặt kỹ thuật.

Chia sẻ về việc tình trạng “cắt lỗ” xuất hiện thời gian gần đây, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tại TP.HCM cho rằng, bài học sau những cơn sốt diễn ra trước đó đã khiến rất nhiều người bị chôn vốn, thất thoát tiền bạc, thiệt hại rất lớn. Khi thị trường sốt, có rất nhiều người cầm nhà đi vay ngân hàng, cầm sổ tiết kiệm rút tiền ra để mua đất… Cũng theo đánh giá của vị Giám đốc này, cứ 100 người “tay ngang” nhảy vào cơn sốt theo tâm lý đám đông thì đến 80 người “chết”, chỉ có 20 người thu được tiền theo chủ đích. Các đối tượng đứng đằng sau cơn “sốt đất” không phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn có thể "tạo sóng" thị trường để trục lợi.

Nhiều nhà đầu tư tham gia “bắt đáy” khi thấy thị trường BĐS có dấu hiệu hạ nhiệt (Ảnh minh họa)

Tâm lý chờ “bắt đáy”

Không tham gia trong thời điểm BĐS nóng sốt, nhưng lại có kế hoạch “săn” đất cắt lỗ khi thị trường hạ nhiệt, chị Bình (quận 12, TP.HCM) cho biết, mấy năm trước chị đã từng “bắt đáy” và đã kiếm một cú lời rất đậm, nên lần này chị quyết định thử vận may. “Sau sốt đất, sẽ có nhiều NĐT lỡ sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, không kịp thoát hàng, buộc phải bán “cắt lỗ”. Nếu thương thảo thành công thì có thể mua đất đẹp với giá thấp hơn khá nhiều so với giao dịch thông thường”, chị Bình cho hay.

Theo các chuyên gia BĐS, tâm lý chờ “bắt đáy” thị trường đang diễn ra khá phổ biến trong thời gian vừa qua. Dù tại các thị trường “nóng”, NĐT vẫn chưa có động thái “cắt lỗ”, giảm giá rõ ràng nhưng nhiều người đã rục rịch cuộc đi săn. Cơn sốt đất đầu năm 2021 đã hạ nhiệt vào tháng 5, sóng săn đất cũng đã hạ, nhu cầu mua chững lại đồng nghĩa với xu hướng tăng giá chóng mặt tại nhiều khu vực cũng dừng theo và giá BĐS các điểm nóng nhà đất từ đà đi lên chuyển sang đi ngang. Thực tế, khi thị trường hạ nhiệt, nhiều NĐT đã có động thái chờ đợi những đợt bán tháo, giảm giá sâu để “bắt đáy”. Tuy nhiên, thị trường hiện tại chưa đủ tín hiệu về vùng giá đáy.

Đơn cử, các thị trường truyền thống như: TP.HCM, Bình Dương, Long An gần như không xuất hiện tình trạng BĐS giảm giá sâu. Cụ thể, ở TP.HCM, giá đất tại khu vực TP. Thủ Đức trong 4 tháng đầu năm 2021 có xu hướng tăng mạnh do tác động từ việc thành lập TP. Thủ Đức. Giá BĐS trên các tuyến đường “nóng” tại quận 9 và quận Thủ Đức (cũ), nay là TP. Thủ Đức, đã tăng 20 - 30% so với cuối năm 2020, nhưng trong tháng 5/2021 giá đất tại các khu vực này không hề có dấu hiệu giảm mà chỉ đi ngang.

Tương tự, tại một số tỉnh vùng ven khu vực TP.HCM như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn xuất hiện những lô đất được rao bán với giá thấp hơn giá thị trường từ 5 - 7%, nhưng số lượng rất ít và hầu như không thuộc các khu vực có vị trí đẹp. Còn lại giá bán chung của thị trường BĐS hầu như đều đang đi ngang. Với những khu vực đang phát triển hạ tầng và quy hoạch rõ ràng, có tiềm năng lớn trong dài hạn thì dù thị trường hết sốt, nhu cầu mua và giao dịch BĐS vẫn duy trì sức nóng và khó hạ giá.

Qua cơn “sốt đất” vừa rồi, nhiều nhà đầu tư “F0” đã phải trả giá cho việc đầu tư tràn lan, thiếu kiến thức về thị trường BĐS, mua phải những lô đất không giấy tờ, mua với giá quá cao... nên đã bị “mắc cạn”. Bởi vậy, không ít người trong số này sẽ rút khỏi thị trường. Đồng thời, thị trường BĐS cũng sẽ xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã “lướt” qua được cơn sóng giá đất để tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào BĐS.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu sốt đất: Người “cắt lỗ”, kẻ “gom hàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO