Hậu Giang: Gỡ "vướng" cho VP ĐKĐĐ và TT Phát triển Quỹ đất

27/04/2016 00:00

    (TN&MT) - Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, tính đến tháng 4/2016, Văn Phòng ĐKĐĐ và Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh đã hoàn thành việc thành...

 
 
(TN&MT) - Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, tính đến tháng 4/2016, Văn Phòng ĐKĐĐ và Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh đã hoàn thành việc thành lập các phòng, chi nhánh cũng như bổ nhiệm, phân công công viêc cho cán bộ, đồng thời hoạt động chuyên môn của 2 đơn vị này đã từng bước đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của 2 đơn vị nay đang gặp một số khó khăn, vướng mắc...
 
Ông Lê Phước Nhàn, Giám đốc Văn Phòng ĐKĐĐ tỉnh Hậu Giang cho biết, theo quy định tại Điều 143, 144 của Luật Đất đai 2013 và Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ giao UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT  đã xây dựng và lấy ý kiến góp ý của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan trình UBND tỉnh ban hành quy định hạn mức tối thiểu tách thửa đất ở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tại Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 12/11/2014. 
 
Tuy nhiên, hiện nay theo báo cáo của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp của người dân để thực hiện các quyền (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế …) số lượng tương đối lớn, nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện vấn đề này. Bên cạnh đó, về cơ chế tài chính của đơn vị được ngân sách đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, nhưng chưa được giao chính thức số tiền gần 12 tỉ đồng. Ngoài ra, Văn Phòng ĐKĐĐ vẫn chưa được trang bị ô tô chuyên dùng, máy in Ao, máy in A3, máy photocopy, máy scan A3; máy in A4; máy tính để bàn; phần mềm luân chuyển hồ sơ... phục vụ cho các hoạt động chuyên môn của đơn vị.
 
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BTNMT-BNV-BTC thì phải “chuyển nguyên trạng kế hoạch, nhiệm vụ, kinh phí ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn khác, tài sản, văn phòng làm việc, trang thiết bị, hồ sơ, tài liệu và thông tin dữ liệu có liên quan của Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện (nếu có) về Trung tâm phát triển quỹ đất”, nhưng theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc TT phát triển Quỹ đất tỉnh Hậu Giang thì hiện nay Trung tâm không đủ nhân sự để đối chiếu, kiểm tra số liệu, chứng từ do các Trung tâm bàn giao. Đồng thời, theo quyết định thành lập, Trung tâm được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và giữ nguyên trạng về tổ chức, 8 Chi nhánh tại 8 đơn vị cấp huyện, nhưng đến nay việc mở tài khoản tại Kho bạc chưa được thực hiện phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị.  
 
Số tiền nợ trên 7, 8 tỉ đồng trước khi hợp nhất  của Trung tâm Phát triển Quỹ đất đến nay chưa được giải quyết, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị này
Số tiền nợ trên 7, 8 tỉ đồng trước khi hợp nhất của Trung tâm Phát triển Quỹ đất đến nay chưa được giải quyết, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị này
 
Đối với số tiền nợ của TT Phát triển Quỹ đất tỉnh và huyện, thị xã, thành phố trước khi hợp nhất các trung tâm trên 7,8 tỉ đồng (gồm nợ tạm ứng Ngân sách của Trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đề chi lương, các khoản bảo hiểm; nợ kinh phí hoạt động; nợ tạm ứng Ngân sách để chi bồi thường, chi trả tiền cắm cọc mốc) đến nay cũng chưa được giải quyết cụ thể, trong khi đó sau ngày 01/01/2016, pháp nhân và con dấu các Trung tâm không còn, một số cán bộ đã luân chuyển, điều động sang các đơn vị khác...
 
Cũng theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc TT Phát triển Quỹ, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ, giá đất và kinh phí bồi thường ít. Theo thống kê, tổng kinh phí bồi thường trong trong toàn tỉnh năm 2013 là 150 tỉ đồng, năm 2014 là 275 tỉ đồng, năm 2015 là 154 tỉ đồng; mức trích chi phí vừa qua cho Trung tâm là 1,5% nên thu không đủ chi, dẫn đến tình trạng nợ tạm ứng, nợ đọng kéo dài, đời sống cán bộ viên chức quá khó khăn. Sau khi hợp nhất, do nguồn thu khó khăn, Trung tâm đã phải tinh giảm 22 người, tổng dự toán chi năm 2016 là 10,5 tỉ đồng, nếu tiếp tục áp dụng mức trích chi phí như hiện nay 1,5% thì hàng năm phải chi bồi thường khoảng 700 tỉ đồng mới đủ cân đối thu chi...
 
Ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT  tỉnh Hậu Giang cho hay, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở TN&MT gửi văn bản đề xuất mức trích kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cụ thể đến Sở Tài chính để hoàn chỉnh dự thảo “Quy định về hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh” trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đồng thời cùng Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh có văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều chưa phù hợp tại Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015, hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất...
 
Bài & ảnh: Lê Hùng
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Gỡ "vướng" cho VP ĐKĐĐ và TT Phát triển Quỹ đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO