Hậu Giang: Cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nền nông nghiệp hữu cơ, thông minh

29/09/2017 00:00

  (TN&MT) - Đây là ý kiến chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong chuyến công tác tại địa phương vừa qua tại TP.Vị Thanh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...

 

(TN&MT) - Đây là ý kiến chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong chuyến công tác tại địa phương vừa qua tại TP.Vị Thanh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...

Ngay sau khi kết luận Hội nghị thích ứng biến đổi khí hậu phát triển bền vững vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương đã di chuyển về TP.Vị Thanh và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang vào tối 27/9.

   VỊ TRÍ TRUNG TÂM NHƯNG NHIỀU THÁCH THỨC…

Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giáp Thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế xã hội của vùng, có một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300km, là thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 5.200ha.

“Cá Thác lác Hậu Giang” – một sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu
“Cá Thác lác Hậu Giang” – một sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu

Góp ý với tỉnh, lãnh đạo các bộ ngành cho rằng, với địa hình thấp, tỉnh là địa phương nhạy cảm với ô nhiễm môi trường, dễ bị xâm mặn. Do đó trong quá trình phát triển, nhất là đô thị hóa, tỉnh cần chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ nước ngầm, nước mặt. Tỉnh cần tận dụng lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với trung tâm nhiệt điện sông Hậu khi đi vào vận hành đầy đủ mỗi năm thải 400 nghìn tấn tro và xỉ, tỉnh cần có giải pháp sử dụng vật liệu không nung tận dụng nguồn tro xỉ này.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy vai trò trung tâm lúa gạo của vùng ĐBSCL, xây dựng được một số vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, mía và đã xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của vùng với tinh thần quyết liệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy vậy, Hậu Giang cũng đang đối mặt với những thách thức trong điều kiện còn nghèo, còn phải nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương, vùng đất có địa hình thấp, chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu gây xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất... Trong khi tỷ trọng nông nghiệp chiếm gần 27,7% cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp vẫn chiếm tới trên 75% số lao động của tỉnh - cao so với cả nước; số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Các chỉ số xã hội thấp so với cả nước như giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Nuôi trồng thủy sản quy mô còn nhỏ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững. Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh mới chiếm trên 20%GDP. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập.

PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THEO HƯỚNG “XANH – SẠCH”

Cùng với những chỉ đạo tập trung đẩy nhanh hiệu quả thực thi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất nguồn lực để hỗ trợ tỉnh giải quyết về thực trạng 3 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm xã, để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu tỉnh căn cứ vào quy hoạch toàn vùng ĐBSCL để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch đất lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nước ngọt, tránh khai thác nước ngầm gây sụt lún - nhất là với tỉnh có địa hình thấp như Hậu Giang.

Thủ tướng, nhấn mạnh: "Hậu Giang phấn đấu là tỉnh đổi mới sáng tạo, năng động để phát triển thịnh vượng, dựa vào tiềm năng lợi thế so sánh của địa phương. Trong đó cần tập trung phát triển nền nông nghiệp đa chức năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh”.

Tại địa bàn Hậu Giang hiện đã có vùng lúa nguyên liệu ổn định qui mô 78.000ha
Tại địa bàn Hậu Giang hiện đã có vùng lúa nguyên liệu ổn định qui mô 78.000ha

Phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt đối với Hậu Giang cần nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, cần phổ biến trong các hộ dân, các đơn vị sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn về nông sản sạch, an toàn".

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tìm một lợi thế so sánh và có hướng đi để phát triển. Theo đó Thủ tướng gợi ý việc xây dựng các khu cụm công nghiệp và phải dành đất sạch thu hút đầu tư; vận động nhân dân tích tụ hạn điền đủ lớn để làm nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh cần phải tiếp tục quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, tiếp tục xây dựng một số cây trồng vật nuôi chủ lực tại địa phương. Hậu Giang cũng cần chú trọng tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sau cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, ngày 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì Hội nghị “Hậu Giang, hợp tác đầu tư – phát triền bền vững”. Trong phát biểu kết luận hội nghị này, Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo, cụ thể: “Hậu Giang cần tập trung triển khai thực hiện nghiên cứu, phát triển nền kinh tế theo hướng “xanh - sạch”, tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có cơ chế, giải pháp hiệu quả để khai thác lợi thế và tiềm năng của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang. Đặc biệt, quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

 

DỰ  ÁN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO (NNUDCNC) HẬU GIANG

* Cơ quan đối tác phía Việt Nam: Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ tỉnh Hậu Giang (Địa chỉ liên lạc: Khu 406, P.5, TP.Vị Thanh; ĐT: 02936 270 036.  Fax: 02936 270 036).

*Địa điểm xây dựng: Huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

*Mục tiêu dự án: Kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng Khu NNUDCNC Hậu Giang, bao gồm phần xây lắp, cung cấp trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao kèm theo đạt tiêu chuẩn quốc tế.

*Quy mô dự án: Quy mô diện tích chung 5.200ha, trong đó diện tích khu vực trung tâm là 415ha.

*Vốn đầu tư dự kiến: 50 triệu USD.

*Các ưu đãi đầu tư:

- Đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng Khu NNUDCNC:

Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (Về thuế suất ưu đãi: Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; Về thời gian miễn thuế, giảm thuế: Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo). Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định). Về miễn, giảm tiền thuê đất (miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước ít nhất 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động).

- Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư vào Khu NNUDCNC:

Doanh nghiệp hoạt động trong Khu NNUDCNC Hậu Giang được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp NNUDCNC, được quy định tại Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu NNUDCNC Hậu Giang.

Hùng Long

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nền nông nghiệp hữu cơ, thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO