Hàng trăm triệu đồng của người dân bị Chủ tịch huyện Hà Trung làm thất thoát

05/02/2015 00:00

(TN&MT) - UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ những khuất tất, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm pháp luật.

   
(TN&MT) - Vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn thư phản ánh của ông Mai Văn Sáu, xã Hà Tiến- Hà Trung (Thanh Hóa) phản ánh việc gia đình ông bị UBND huyện Hà Trung ra Quyết định cho hộ ông Mai Văn Múc khai thác thác 3 ha rừng chàm, keo gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mặc dù UBND huyện sau đó có Quyết định “sửa sai”, nhưng đến nay thiệt hại của gia đình ông vẫn chưa được đền bù.
   
  Theo đơn thư phản ánh của ông Mai Văn Sáu, thôn 2 Cẩm Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. “Gia đình ông là chủ sử dụng 91.400m2 đất rừng tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0110 QSDĐ/UBHT do UBND huyện Hà Trung cấp ngày 25/9/2000 và ký hợp đồng trồng rừng với Ban quản lý dự án Lâm trường Hà Trung năm 2000, để trồng cây tràm, cây keo phục vụ chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ.
   
  Đến tháng 5/2013, không hiểu vì lý do gì, ngày 03/5/2013, UBND xã Hà Tiến có Tờ trình số 27/TT-UBND gửi UBND huyện Hà Trung cho ông Mai Văn Múc ở thôn Đồng Bồng, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung khai thác 3ha rừng của gia đình ông. Đến ngày 15/7/2013, UBND huyện Hà Trung có Quyết định số 1756/QĐ-UBND cho phép ông Múc khai thác toàn bộ diện tích trên.
   
Ông Mai Văn Sáu đang chỉ 3 ha rừng bị ông Mai Văn Múc khai thác hết
   
  Quá bức xúc trước những việc làm sai trái của UBND xã Hà Tiến dẫn đến gia đình ông mất đất, mất rừng, ông Sáu đã làm đơn lên UBND huyện Hà Trung kêu cứu. Ngày 6/3/2014, UBND huyện ra Quyết định số 401/QĐ-UBND về việc ông Mai Văn Múc khai thác 3ha rừng trồng cây keo tại lô 84, thửa 140 của gia đình ông Sáu là trái phép và trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã Hà Tiến đã lập hồ sơ tham mưu với huyện sai quy định để xảy ra tình trạng trên.
   
  Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Mai Văn Sáu được UBND huyện Hà Trung giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp, tại quyết định số 281/QĐ-UBND, ngày 25/9/2000, diện tích 9,14 ha, gồm 4 thửa đất, trong đó có 3,0ha tại lô 84 trên bản đồ thiết kế trồng rừng dự án dự án 661 năm 2000 xã Hà Tiến. Có hợp đồng số 37/HĐ-KT, ngày 27/6/2000 về hợp đồng khoán hộ trồng rừng, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng năm 2000 với bên giao khoán là Ban quản lý dự án cơ sở - Lâm trường Hà Trung, giao khoán cho hộ ông Sáu trồng rừng trên diện tích 5,8ha tại các lô 84/3,0ha; 85/2,8ha.
   
  Ngày 28/3/2002, Lâm trường Hà Trung tiếp tục giao khoán cho hộ ông Sáu chăm sóc rừng, trồng dặm, tại các lô 84 (cây trồng chính 600 cây, cây trồng phụ 960 cây), lô 85 (cây trồng chính 1.680 cây, cây trồng phụ 2.520 cây). 
   
  Như vậy, rõ ràng theo giấy chứng nhận QSDĐ và hợp đồng trồng rừng với Lâm trường thì hộ gia đình ông Sáu sử dụng đúng và hoàn toàn hợp pháp. Thế nhưng Chủ tịch UBND xã Hà Tiến lại làm Tờ trình số 27/TTr-UBND, ngày 3/5/2013 tham mưu cho UBND huyện Hà Trung ban hành quyết định số 1756/QĐ-UBND, ngày 15/7/2013 của Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho phép hộ ông Mai Văn Múc khai thác 3ha rừng tại lô 84, thửa 140 của hộ gia đình ông Sáu, gây thiệt hại gần 300 triệu đồng.
   
  Ngay sau khi ông Sáu gửi đơn thư lên huyện kêu cứu, qua xác minh điều tra UBND huyện Hà Trung đã ra quyết định số 401/QĐ-UBND, ngày 6/3/2014 về việc UBND xã Hà Tiến lập hồ sơ kiểm tra thẩm định cho ông Múc khai thác 3ha rừng của ông Sáu là hoàn toàn sai quy định và đề nghị Chủ tịch UBND xã Hà Tiến tổ chức cho 2 hộ gia đình thỏa thuận và bồi thường giá trị tài sản cho ông Sáu. Nhưng đến nay gia đình ông Sáu vẫn chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền địa phương xã Hà Tiến.
   
  Ông Mai Văn Sáu, thôn 2 Cẩm Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung bức xúc cho biết: Gia đình tôi có giấy chứng nhận QSDĐ và hợp đồng trồng rừng với Lâm trường huyện Hà Trung, chẳng hiểu sao mà ông Chủ tịch UBND xã Hà Tiến lại ký và đóng dấu vào đơn đề nghị UBND huyện Hà Trung ra quyết định cho ông Mai Văn Múc khai thác, chặt phá trái phép 3ha cây rừng của gia đình tôi lại nhanh đến vậy?. Khi tôi phát hiện đã báo cáo lên xã, nhưng chính quyền địa phương không có động thái gì mà vẫn lờ đi cho ông Múc khai thác hết diện tích rừng của gia đình tôi, với tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Vì quá uất ức tôi đã gửi đơn cầu cứu lên huyện. UBND huyện đã có Quyết định nhưng chủ tịch UBND xã Hà Tiến vẫn phớt lờ, bao che cho kẻ xấu và không trả lời gia đình chúng tôi".
   
Vợ chồng ông Sáu bức xúc trình bày vụ việc với PV Báo Tài nguyên & Môi trường
    
   
  Ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Hà Tiến cho biết: “Việc UBND xã có tờ trình lên huyện cho hộ ông Mai Văn Múc khai thác 3 ha rừng của hộ gia đình ông Mai Văn Sáu là do thiếu sót của cán bộ chuyên môn của xã khi đi điều tra khảo sát không chặt chẽ tham mưu lên nên tôi mới ký tờ trình và dẫn đến tình trạng trên.
   
  Sau khi UBND huyện kiểm tra và ban hành quyết định, tôi đã mời 2 gia đình lên hòa giải nhưng vì ông Múc hiện tại không có mặt ở địa phương nên tạm dừng để đó và hướng dẫn cho hộ gia đình ông Sáu khởi kiện ra tòa?”.
   
  Mặc dù, những việc làm sai trái của chủ tịch UBND xã Hà Tiến đã gây thiệt hại về kinh tế trong nhân dân. Nhưng đến nay UBND xã vẫn phớt lờ sự chỉ đạo của huyện, khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không việc chính quyền sở tại “tiếp tay” cho ông Mai Văn Múc khai thác rừng trái phép?. Bởi vì sau khi ông Múc chặt phá và bán rừng của ông Sáu xong đã đi khỏi địa phương.
   
  Câu hỏi đặt ra: nếu ông Múc không về thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước việc làm của UBND xã Hà Tiến và UBND huyện Hà Trung???. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm pháp luật.
                                                             
Bài và ảnh: Tuyết Trang - Thu Thủy
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm triệu đồng của người dân bị Chủ tịch huyện Hà Trung làm thất thoát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO