Hạn chế thiệt hại bằng cách nào?

Trí Việt - Quan Hưng| 04/03/2021 09:45

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô năm 2020 - 2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.

Không nghiêm trọng như năm 2020

Cụ thể, các đợt xâm nhập mặn cao nhất khả năng tập trung trong tháng 2 và 3. Dự báo, ở thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ từ ngày 21 đến 31/1, tiếp tục phổ biến ít mưa, ban ngày có nắng. Nền nhiệt thấp nhất ban đêm phổ biến 19 - 22 độ C, riêng ở miền Đông Nam Bộ có nơi thấp hơn 17 -18 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 29 - 32 độ C, có nơi cao hơn.

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Công giảm dần, mực nước các trạm thượng lưu ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1 - 1,0m, mực nước các trạm trung, hạ lưu ở mức tương đương TBNN.

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,60 m; tại Châu Đốc 1,70 m, cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,25 - 0,35 m.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ ngày 21 đến 25/1 sẽ giảm dần, sau đó tăng dần và đạt mức cao nhất vào ngày 26 đến 29/1. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức tương đương so với độ mặn cao nhất tuần từ ngày 11 đến 20/1, và vẫn thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 1/2020. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cấp độ 1.

Thời gian này, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt để phục vụ nông nghiệp và dân sinh khi tình hình xâm nhập mặn còn thấp.

Theo các chuyên gia dự báo, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020 - 2021 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020; các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ ngày 10 đến 15/2, từ ngày 26/2 đến 2/3), tháng 3 (từ ngày 12 đến 16/3, từ ngày 25 đến 29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ ngày 9 đến 14/4, từ ngày 24 đến 28/4), sau giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời những thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Bơm nước để hạn chế xâm nhập mặn ở ĐBSCL Ảnh: MH

Cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn nặng ngay từ bây giờ. Khuyến cáo tình hình hạn hán, ngập mặn tại các vùng như sau:

Vùng thượng ĐBSCL nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, chủ động sản xuất sớm vụ Đông Xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng kiệt. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) đề phòng hạn ở các vùng này.

Vùng giữa ĐBSCL đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong năm này, chủ động giảm diện tích vụ Đông Xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần.

Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam lưu ý: Trong các kỳ triều kém ở tháng 2, các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc ảnh hưởng ở tháng 2.

Vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6. Vì vậy, cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế thiệt hại bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO