Được biết, trên khu vực cửa sông Văn Úc, nạn khai thác cát trái phép ở đây diễn ra đã nhiều năm. Hàng chục hộ dân có đất canh tác ở bãi bồi ngoài đê phải chứng kiến cảnh tàu hút cát ngang nhiên thả vòi xuống lòng sông chỉ cách bờ 10 -15m để lấy cát, máy nổ ầm ầm cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Không những thế, từ nhiều năm nay cuộc chiến ngao – cát vẫn chưa có hồi kết. Đã nhiều lần, những cuộc ẩu đả, đánh nhau diễn ra giữa những người nuôi ngao và các tàu “cát tặc” nơi cửa biển. Tại “điểm nóng” này, các hộ nuôi ngao chỉ mang tính tự phát, còn doanh nghiệp khai thác cát thì chưa đủ điều kiện khai thác tài nguyên, thế nhưng mỗi ngày hàng chục tàu “cát tặc” công suất lớn vẫn ngang nhiên rút ruột cửa biển. “Ngao - cát” cứ thế tranh giành cát cứ.
Nhóm tàu đang hút cát trí phép tại cửa sông Văn Úc |
Mới đây, lực lượng chức năng vừa kiểm tra 5 phương tiện thủy địa: HD 2226, HD 2535, HP 4426 và HP2238 và NĐ 1816 đang bơm hút cát tại khu vực cửa sông Văn Úc, thuộc địa phận huyện Kiến Thụy.
Tại thời điểm kiểm tra, 5 phương tiện đã bơm hút được khoảng 4.000 m³ cát. Trên các phương tiện có 39 thuyền viên, người đại diện của các phương tiện không xuất trình được đăng ký, đăng kiểm và không có giấy phép khai thác khoáng sản. Các thuyền viên trên 5 phương tiện không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời dẫn giải các phương tiện, thuyền viên về neo đậu tại khu vực sông Bạch Đằng để điều tra, xác minh.
Nạn khai thác cát trái phép ở cửa sông Văn Úc diễn ra đã nhiều năm |
Nhiều năm nay, khu vực sông cửa sông Văn Úc là nơi có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển. Mặt khác, ở những khu vực này cũng có nhiều mỏ cát với trữ lượng lớn và hầu hết các khu vực mỏ cát đều nằm ở những vị trí là ngư trường đánh bắt tự nhiên hay khu vực nuôi ngao của ngư dân.
Cát, sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, việc tái tạo phải trải qua rất nhiều năm, nếu không được bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, điều này cũng đồng nghĩa với những nguy cơ về xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng và sự phát triển chung của đất nước.