Hải Dương: Rà soát, tham mưu bổ sung thay thế bộ TTHC về môi trường theo luật mới

Phạm Duy| 23/07/2022 21:11

Để thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mới đây UBND Tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát bộ thủ tục hành chính về môi trường qua đó tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính về môi trường cho phù hợp với thực tế của tỉnh bảo đảm thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh, bổ sung, thay thế: Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh; lộ trình thực hiện di dời các cơ sở trên địa bàn tỉnh không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Tham mưu ban hành các kế hoạch về quản lý chất lượng môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý chất lượng môi trường nước trên địa bàn tỉnh; quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh; quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

tuoi-tre-hai-duong.jpg
Luật Bảo vệ môi trường mới sẽ thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, Luật gồm 16 Chương, 171 Điều. So với Luật Bao vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những điểm mới mang tính đột phá chính như sau:

Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh, “cộng đồng dân cư” được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của “cộng đồng dân cư” trong các hoạt động bảo vệ môi trường; Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, Giảm thủ tục hành chính cho nhiều nhà đầu tư, theo đó các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí; Thứ ba, đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước; Thứ tư, thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; Thứ năm, thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương; Thứ sáu, chế định cụ thể về kiểm toán môi trường được quy định lần đầu nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp; Thứ bảy, cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước; Thứ tám, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; Thứ chín, tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Rà soát, tham mưu bổ sung thay thế bộ TTHC về môi trường theo luật mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO