Hà Nội hiện có gần 11.000ha rừng đặc dụng, hơn 5.860ha rừng phòng hộ và hơn 9.800ha rừng sản xuất |
Khung giá các loại rừng được xác định gồm: Khung giá rừng đặc dụng; khung giá rừng phòng hộ; khung giá rừng sản xuất...
Cụ thể, tại huyện Ba Vì: Đối với rừng đặc dụng có trữ lượng gỗ 10m3/ha, giá rừng cao nhất gần 9,8 triệu đồng/ha và thấp nhất hơn 4,8 triệu đồng/ha; trữ lượng từ 50m3 gỗ/ha, cao nhất hơn 23,3 triệu đồng/ha và thấp nhất gần 7,3 triệu đồng/ha.
Đối với rừng sản xuất có trữ lượng 101m3 gỗ/ha, giá rừng cao nhất hơn 113 triệu đồng/ha, thấp nhất là 59,5 triệu đồng/ha; giá trị bồi thường, cao nhất gần 340 triệu đồng/ha và thấp nhất khoảng 178 triệu đồng/ha.
Tương tự, các địa phương còn lại cũng quy định cụ thể khung giá rừng, giá trị bồi thường cho từng loại rừng...
Việc ban hành khung giá rừng là căn cứ tính tiền trong các trường hợp: Nhà nước giao rừng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng; xác định giá trị phải bồi thường khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng; thiệt hại do cháy rừng, thiên tai...
Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 11.000ha rừng đặc dụng, hơn 5.860ha rừng phòng hộ và hơn 9.800ha rừng sản xuất, phân bố ở 7 địa phương là: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, và Sóc Sơn.
UBND TP yêu cầu UBND cấp huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND cấp xã tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị giao rừng, cho thuê rừng của hộ gia đình cá nhân đúng trình tự, thủ tục; triển khai thực hiện các quyết định giao rừng, cho thuê rừng, nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật có liên quan.
UBND cấp huyện, thị xã có rừng cũng thực hiện thẩm quyền về giao rừng, cho thuê rừng; quyết định giá cho thuê rừng và ký hợp đồng thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở Quy định giá các loại rừng trên địa bàn thành phố đã được ban hành; thu hồi quyết định cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.