Đất đai

Hà Nội: Nhiều bất cập trong quy hoạch, quản lý rừng

Thùy Linh 15/08/2023 - 21:29

(TN&MT) - Theo thống kê của cơ quan chức năng, địa bàn TP.Hà Nội hiện có khoảng 28.000 ha rừng chưa được cắm mốc ranh giới, chưa có bản đồ số hóa và đang bị chồng lấn với nhiều loại đất khác. Trước thực trạng này, ngày 18/02/2022, TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch 57/KH-UBND, yêu cầu 7 địa phương có rừng tiến hành điều tra, khảo sát về thực trạng rừng, từ đó sẽ bóc tách các diện tích chồng lấn để quản lý rừng hiệu quả hơn.

7 huyện, thị xã có rừng tại HN là Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất và TX Sơn Tây do thiếu cơ sở dữ liệu về đất đai, chưa được cắm mốc, lập bản đồ số hóa nhiều năm nay dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân.

Sai phạm quy hoạch rừng ảnh hưởng cuộc sống của người dân

Huyện Sóc Sơn là một trong 7 huyện, thị xã đang có diện tích rừng chưa được cắm mốc và bị chồng lấn với các loại đất khác. Năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội đã thanh tra quá trình sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn và đã ban hành kết luận, trong đó chỉ rõ sai sót việc lập quy hoạch rừng năm 2008 chồng lấn lên đất ở của người dân và đề nghị TP Hà Nội phải bóc tách đất của người dân ra khỏi quy hoạch.

Ghi nhận thực tế của PV tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy: Thôn được thành lập năm 1985, có đầy đủ chi bộ Đảng, có Trưởng thôn và các ban nghành đoàn thể. Điều đặc biệt, thôn Minh Tân là 1 trong 2 thôn duy nhất của TP.Hà Nội còn chưa có bản đồ địa chính.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng thôn Minh Tân cho biết: Từ năm 1983, TP. Hà Nội có quyết định đưa dân lên đây để khai hoang, phát triển kinh tế đồi rừng. Thôn Minh Tân có tổng diện tích khoảng 1.000 ha, trong đó có gần 300ha là đất ở đất vườn sản xuất do người dân khai hoang vỡ hoá từ năm 1985, sinh sống ổn định, không tranh chấp. Diện tích hơn 600 ha đất trồng rừng nằm ngoài diện tích đất ở, đất vườn, đất sản xuất của người dân, nay đang được bà con nhận giao khoán bảo vệ xanh tốt.

soc-son-1.jpg
Nhiều diện tích đất ở, đất nông nghiệp của người dân tại Sóc Sơn đang bị chồng lấn đất rừng.

Tuy nhiên, từ năm 1993, cán bộ thống kê đất đai đã bỏ quên không dẫn đạc vào thôn Minh Tân. Vì vậy, toàn bộ diện tích đất của thôn Minh Tân đều chưa có bản đồ địa chính. Năm 1998, TP. Hà Nội có chủ trương quy hoạch rừng. Các đơn vị thực hiện đã để xảy ra sai phạm không đo đạc, không điều tra thực trạng, không công bố đầy đủ các thông tin quy hoạch dẫn đến đưa toàn bộ thôn Minh Tân vào quy hoạch rừng. Mãi đến 2016, khi có đoàn thanh tra đến thì người dân mới phát hiện ra toàn bộ đất ở, đất vườn của người dân đã bị nằm trong diện tích  đất rừng.

Thậm chí, qua tìm hiểu từ các cơ quan chức năng, người dân thôn Minh Tân đã phát hiện tấm bản đồ quy hoạch rừng số 2100/2008 của UBND TP. Hà Nội được lập và phê duyệt không đúng quy định của pháp luật. Đơn cử, chủ đầu tư dự án này là BQL rừng đặc dụng huyện trong khi đây là đơn vị sự nghiệp, không có thẩm quyền quản lý Nhà nước, không có chức năng lập quy hoạch. Dự án làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ thị phải rà soát quy hoạch 2 loai rừng thành 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, vì phù hợp với lịch sử rừng ở Sóc Sơn chủ yếu do dân tự trồng. Dự án điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn đã quy hoạch toàn bộ rừng sản xuất của nhân dân thành 1 loại rừng phòng hộ, không có phương án đền bù trả lâm lộc cho dân…

Hơn nữa, dự án đã đưa toàn bộ thôn Minh Tân vào quy hoạch rừng, trái với Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đối với đất thổ cư, ruộng vườn và nương rẫy trong rừng không được quy hoạch vào khu rừng phòng hộ và được quản lý theo quyết định của pháp luật về đất đai.

“Sau khi phát hiện ra sai phạm của bản quy hoạch rừng 2008 này, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị và Thanh tra Thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã lập nhiều đoàn kiểm tra và kiến nghị TP HN phải sớm bóc tách đất của người dân ra khỏi quy hoạch rừng năm 2008. Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện xong, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con hơn 30 năm qua như đất đai không được cấp giấy chứng nhận, không được đầu tư hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm…”– ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng thôn Minh Tân nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, qua rà soát diện tích đất rừng, phát hiện có 1.300 ha đất/4.557 ha đất rừng bị trồng lấn lên các loại đất khác, không đúng với thực tế đang sử dụng. Trong đó, có nhiều diện tích là đất quốc phòng, cơ sở tôn giáo, trường học, làng xóm hiện vẫn nằm trong rừng, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương cũng như ảnh hưởng cuộc sống người dân.

"Trong gần 1.300 ha còn lại có khoảng 3.000 thửa đất của các thôn, xóm, làng nằm trong rừng, ngoài ra có cả công trình phúc lợi, di tích văn hoá lịch sử và cả công trình của quân đội. Hiện nay, huyện đang rà soát để đề xuất thành phố điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 theo đúng thực tế, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023” – ông Ngọc nói.

Ông Lê Minh Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thông tin, hiện nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp Hà Nội chưa được đo đạc cắm mốc ngoài thực địa , chưa được giao đất, giao rừng theo Luật Lâm nghiệp. Các chủ rừng phải được giao đất và giao rừng để có phương án quản lý bảo vệ phát triển rừng. Việc chưa cắm mốc 3 loại rừng, và ranh giới đất lâm nghiệp với các loại đất khác đã dẫn đến tranh chấp giữa đất lâm nghiệp với các loại đất khác của người dân, tổ chức kinh tế xã hội khác. Huyện Sóc Sơn chỉ là một trong 7 huyện, thị xã của TP. Hà Nội có diện tích đất bị chồng lấn. Nhiều nhất còn phải kể đến là Ba Vì với 3.000 ha đất….

Sớm bóc tách đất chồng lấn trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân

Thừa nhận những sai sót trong việc thiếu cơ sở dữ liệu đất đai khi lập quy hoạch rừng, tháng 2/2023, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch 57, trong đó yêu cầu cụ thể các địa phương có rừng thực hiện số liệu thống kê những bất cập, tồn tại trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường 2008 làm cơ sở đề xuất cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch rừng phù hợp với tình hình thực tế.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNN Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội có khoảng 28.000ha rừng trên địa bàn 7 huyện, thị  chưa được cắm mốc ranh giới, chưa có bản đồ số hóa. Đất rừng đang bị chồng lấn với nhiều loại đất khác như đất tôn giáo, đất quốc phòng, trường học, làng xóm của người dân gây nhiều bất cập như người dân không được thực hiện các quyền của mình trên đất theo đúng Luật Đất đai. Chính vì vậy, đầu năm 2022, Sở đã tham mưu cho thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo địa bàn có rừng rà soát, cắm mốc, số hoá toàn bộ diện tích và giao ngành nông nghiệp quản lý.

Tuy nhiên, đã hơn một năm, việc rà soát chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải quyết tồn tại chồng lấn giữa đất rừng và đất khu dân cư ở một số địa bàn.

Rõ ràng, việc lập quy hoạch rừng phòng hộ của TP. Hà Nội để xảy ra chồng lấn với các diện tích đất khác, đặc biệt là đất ở của người dân là lỗi của chính quyền. Những tồn tại này cần sớm được tháo gỡ để ổn định cuộc sống cho người dân. 

Theo các chuyên gia quy hoạch, Luật Quy hoạch đã quy định rất rõ thời hạn thực hiện quy hoạch là 3 năm. Sau 3 năm, Nhà nước không thực hiện nội dung quy hoạch thì phải điều chỉnh lại hoặc hủy bỏ quy hoạch, phục hồi quyền lợi hợp pháp của người dân nằm trong diện bị quy hoạch. Tuy nhiên, điều này chưa được các cơ quan quản lý thực thi đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều bất cập trong quy hoạch, quản lý rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO