(TN&MT) – Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp nhận và xử lý 22.014 đơn thư các loại. Nội dung chủ yếu liên quan tới lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng.
Tại Báo cáo số 194/BC-UBND ngày 7/6/2024, UBND thành phố Hà Nội đã thông tin về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp nhận và xử lý 22.014 đơn các loại gồm: 5.276 đơn khiếu nại; 4.551 đơn tố cáo và 12.187 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện (trong đó có 7.862 đơn trùng, đơn nặc danh, đơn không đủ điều kiện thụ lý). Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 167 lượt đoàn đông người với 165 vụ việc khiếu nại, tố cáo (từ 10 người trở lên). Nội dung chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, các đơn vị của thành phố tiếp 18.649 lượt công dân (tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023), cụ thể như sau: Cấp thành phố tiếp 1.358 lượt công dân; cấp huyện tiếp 10.278 lượt công dân; cấp xã tiếp 6.032 lượt công dân; sở, ngành tiếp 981 lượt công dân.
Liên quan tới kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 2.463 vụ (tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2023) gồm: 1.655 vụ khiếu nại và 808 vụ tố cáo; đã giải quyết 1.333 vụ gồm: 843 vụ khiếu nại và 490 vụ tố cáo (đạt tỷ lệ 54,0%). Số vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật.
Cụ thể, các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận và thụ lý: 454 vụ gồm: 329 vụ khiếu nại và 125 vụ tố cáo; đã kết luận, giải quyết được 228 vụ gồm: 178 vụ khiếu nại và 50 vụ tố cáo. Các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận và thụ lý 1.357 vụ gồm: 985 vụ khiếu nại và 372 vụ tố cáo; đã kết luận, giải quyết được 755 vụ gồm 489 vụ khiếu nại và 266 vụ tố cáo. Các sở, ngành đã tiếp nhận và thụ lý 142 vụ gồm: 115 vụ khiếu nại và 27 vụ tố cáo; đã kết luận, giải quyết được 45 vụ gồm 18 vụ khiếu nại và 27 vụ tố cáo.
Chủ tịch UBND thành phố giao Thanh tra thành phố xem xét, kết luận 510 vụ gồm: 148 vụ khiếu nại và 106 vụ tố cáo; thẩm tra lại báo cáo của quận, huyện, thị xã, sở ngành là 256 vụ. Thanh tra thành phố đã kết luận, giải quyết được 305 vụ gồm: 41 vụ khiếu nại và 39 vụ tố cáo; thẩm tra lại báo cáo của sở ngành là 225 vụ.
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo có 16 vụ khiếu nại đúng (chiếm 1,9%); 750 vụ khiếu nại sai (chiếm 88,9%); 19 vụ khiếu nại đúng một phần (chiếm 2,3%); 38 vụ tố cáo đúng (chiếm 7,8%); 128 vụ tố cáo sai (chiếm 87,1%); 55 vụ tố cáo đúng một phần (chiếm 11,2%). Qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan chức năng đã kiểm điểm trách nhiệm 3 tập thể, 38 cá nhân để xảy ra sai phạm.
Theo UBND thành phố Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn tồn tại một số hạn chế như: Có vụ việc còn chưa đảm bảo về thời hạn giải quyết theo quy định và theo yêu cầu của thành phố; còn những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có những vụ việc thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy Hà Nội.
Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên, theo thành phố Hà Nội là bởi công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những công việc khó khăn, phức tạp; hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn có sự bất cập và thay đổi qua các thời kỳ; chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm đối với việc không thực hiện, chậm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo có hiệu lực pháp luật.
Một số vụ khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng do tính chất phức tạp của vụ việc; một số vụ kéo dài trong nhiều năm, đến nay cơ chế chính sách, pháp luật có sự thay đổi dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện; người khiếu nại, tố cáo không đồng tình dù kết quả giải quyết đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cho rằng một số nội dung quản lý nhà nước hiện còn những tồn tại, phức tạp kéo dài cần phải có biện pháp xử lý, giải quyết cụ thể như: Công tác quản lý, vận hành nhà chung cư phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện đông người chưa rõ thẩm quyền và chế tài để giải quyết; việc giải quyết tồn tại trong giao đất dịch vụ chưa có chuyển biến tích cực mặc dù Thành ủy và UBND Thành phố đã chỉ đạo sát sao; tồn tại, vướng mắc trong công tác giao đất giãn dân nông thôn (triển khai thực hiện theo Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003) đến khi nhà nước thay đổi quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất dẫn đến bức xúc và phát sinh khiếu kiện của công dân; nhận thức của một số cấp ủy Đảng và lãnh đạo trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành có lúc còn chưa kịp thời.