Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính
Thời gian gần đây, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng, nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại… trên địa bàn TP Hà Nội. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm 2020, nắng nóng sẽ vượt mức trung bình nhiều năm và Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng từ thời tiết bất thường.
Theo thống kê, hiện dân số Hà Nội có hơn 8,5 triệu người với 17 khu công nghiệp, trên 1.350 làng nghề, gần 6 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô... Đó đều là những nguồn phát thải khí nhà kính, gây BĐKH.
Hà Nội hạn chế việc đốt rơm rạ để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh minh họa |
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, đặc biệt là nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Sở Công thương Hà Nội, thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, Thành phố đã xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) đối với lĩnh vực công thương; trong đó có Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020; hướng dẫn 303 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố thực hiện trách nhiệm theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức lồng ghép phát động phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện - tiết kiệm năng lượng trong chiến dịch “Giờ trái đất”.
“Hàng chục buổi tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình đã được tổ chức, vận động hơn 50 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của Thành phố...”, đại diện Sở Công thương cho hay.
Đặc biệt, để nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, Sở TN&MT Hà Nội đã sớm tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố; đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động nhằm hạn chế việc sử dụng than, bếp than tổ ong góp phần cải thiện chất lượng không khí.
Năm 2020, Sở TN&MT Hà Nội đã xây dựng và ban hành quy định cấm các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong; cấm sản xuất, kinh doanh bếp và than tổ ong trên địa bàn.
Chủ động ứng phó với ngập úng
Cùng với những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, thời gian qua, TP Hà Nội cũng chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn kéo dài gây ra. Thành phố đã tiến hành duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, xử lý ô nhiễm tại 122 hồ ở nội thành; duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải, lắp đặt thêm các trạm quan trắc, tiến hành nạo vét và xử lý rác thải tại các sông trong nội đô.
Nạo vét hồ ở Hà Nội khắc phục ô nhiễm. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh; phát triển vùng cây xanh, công viên; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số công trình bảo đảm ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội đã xây dựng thêm 25 công viên và 25 hồ; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới một số công trình phòng chống thiên tai. Đó được coi là những giải pháp thiết thực ứng phó với BĐKH và thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra.
Cùng với sử dụng năng lượng hợp lý, TP Hà Nội cũng đang khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng... Từ năm 2016, toàn bộ các công trình công cộng đều được sử dụng đèn led, phấn đấu giảm 2/3 lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng công cộng...
Đồng bộ các giải pháp
Mặc dù vậy, công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng còn hạn chế. Tuy đã có chính sách, kế hoạch hành động cụ thể nhưng đến nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn còn chưa nhận thức đầy đủ về BĐKH. Nhiều nơi chưa quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường nên rất ít mô hình sản xuất, tiêu dùng chú trọng đến phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Liên quan vấn đề này, bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho rằng, cần cụ thể hóa những giải pháp ứng phó với BĐKH. Khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, ý thức cộng đồng được nâng cao thì sẽ hạn chế được những nguyên chính của BĐKH.
Trước hết, ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất sạch hơn; đầu tư phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng sạch, ít phát thải.
Cùng với đó, xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước thải; tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo hướng văn minh, hiện đại, giảm dần tỷ lệ rác thải chôn lấp; chống ô nhiễm, bảo vệ tốt các di sản thiên nhiên; xây dựng chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy...
Ngoài ra, một trong những giải pháp quan trọng cần tập trung triển khai, đó chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm tác động của BĐKH. Muốn làm được, cần xây dựng chương trình phù hợp cho các khóa đào tạo, cho từng đối tượng cụ thể; tăng cường đào tạo và chuyển giao công nghệ; sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến kiến thức về BĐKH; giới thiệu các hành vi, tác phong sinh hoạt thích hợp với phát triển bền vững...